Phân định lằn ranh kỉ lục trong biểu diễn
Vừa qua, bộ áo dài "Dấu ấn thời gian" đã được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam ghi nhận kỉ lục áo dài dài nhất, nặng nhất với tà áo có chiều dài 189m, đính đá và in nổi 468 hoa văn họa tiết cổ. Tác phẩm khi thực hiện xong có trọng lượng lên đến 200 kg.
Trước đó, tại Lễ hội Đền Hùng 2023, áo dài “Non sông gấm vóc" của nhà thiết kế Phương Hồ cũng từng "chạm ngưỡng" kỉ lục với độ dài 178m. Hơn một tháng sau, chiếc áo dài này được chỉnh sửa để đạt độ dài thực tế 220,6m, nặng gần 250 kg.
Tổ chức Kỉ lục Việt Nam cũng đã trao bằng chứng nhận “Chiếc áo dài đính kết thủ công, giới thiệu và quảng bá các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam có kích thước dài nhất”.
Sau khi công bố, hai bộ áo dài kỉ lục này nhận về không ít ý kiến trái chiều. Bên cạnh những nhận xét về tính độc đáo, sáng tạo trong thiết kế, nhiều lại người cho rằng việc thực hiện trang phục với kích thước quá khổ gây lãng phí chất liệu, vô bổ và không có giá trị văn hóa.
Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu - Nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận định: "Chúng ta cần phân biệt giữa kỉ lục được xác lập trong nghệ thuật biểu diễn hay đời sống thường nhật.
Với trường hợp chiếc áo dài "quá khổ", người ta thường sử dụng trong các buổi trình diễn để gây ấn tượng với công chúng. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế cũng biến tấu các yếu tố đặc trưng nhằm phô diễn hết tài năng, sức sáng tạo của họ trong sản phẩm nghệ thuật.
Vậy nên, chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn để các nhà thiết kế có cơ hội phát huy tài năng, qua đó giúp tôn vinh sản phẩm văn hóa dân tộc".
"Lạm phát" kỉ lục
Rõ ràng, xét về nhiều tiêu chí, hai bộ áo dài "Dấu ấn thời gian" và "Non sông gấm vóc" không sai về mặt thiết kế hay sáng tạo áo dài phản cảm. Bởi lẽ, các thiết kế phần nào đã giới thiệu được những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam thông qua các hoạ tiết trên áo dài.
Mặc khác, nhà thiết kế Phương Hồ cho biết sau khi trình diễn trong nước và quốc tế, cô sẽ biến chiếc áo dài kỉ lục thành 100 chiếc áo dài bình thường, tổ chức show diễn thời trang và sau đó bán đấu giá để lấy kinh phí hỗ trợ cho trẻ em vùng cao. Vì vậy, trong một số trường hợp, việc đánh giá hai thiết kế kể trên là lãng phí hay vô bổ là không phản ánh đúng bản chất.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nỗi lo của dư luận không hẳn là thiếu cơ sở. Những năm gần đây, có nhiều kỉ lục được vinh danh cho thấy sức lực, trí tuệ phi thường của con người trong đời sống văn hóa - xã hội. Song bên cạnh đó, không ít những kỉ lục mang tính phô trương, "làm màu" chứ chưa hề để lại dấu ấn gì về văn hóa.
Chẳng hạn như chiếc bánh chưng, bánh dày, tô hủ tiếu... to nhất Việt Nam. Dù tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền của nhưng sản phẩm làm ra lại bị nhiều thực khách đánh giá không ngon, thậm chí còn xuất hiện tình trạng ôi thiu, đổ bỏ, lãng phí thức ăn.
Theo tiến sĩ Tùng Hiếu, quá trình thực hiện cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi đưa ra những sáng tạo liên quan đến văn hóa truyền thống.
"Sáng tạo không đồng nghĩa với việc phô trương một cách quá trớn. Việc lạm dụng các yếu tố văn hóa truyền thống để gây sự phản cảm sẽ khiến cho chính nhà thiết kế bị công chúng quay lưng", ông khẳng định.