Bình minh trên Núi Đọ

HOÀNG HẢI LÂM |

Nằm trong vùng đồng bằng do sự bồi đắp của sông Chu và sông Mã, Núi Đọ, di chỉ cấp Quốc gia có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, ngọn núi đại diện cho văn hóa từ thủa bình minh của loài người rất đỗi bình yên.

Vạn năm đá núi

Đi hơn 7km từ thành phố Thanh Hóa, theo hướng Tây Bắc chúng tôi có mặt ở Núi Đọ lúc 7h sáng. Đồng chí Mai Văn Hòa- Trợ lý tác chiến Ban Chỉ chuy Quân sự thành phố Thanh Hóa “bàn giao” tôi cho anh Nguyễn Hữu Thép, Xã Đội trưởng Thiệu Vân “tiếp quản”. Anh Thép dắt xe và đi ngay, từ Thiệu Vân đến Núi Đọ chỉ 1km.

Con đường đến xã Thiệu Vân đang được rải nhựa những mét đường đầu tiên trong chương trình nông thôn mới. Người dân hồ hởi dọn vệ sinh và trồng hoa ở hai bên đường về Núi Đọ. Những sắc thái mới của vùng nông thôn xứ Thanh đã khởi sắc từ chính nơi đây.

Thiên nhiên ban tặng cho xứ Thanh thật nhiều đá núi, cũng bởi vì thế đá lót đường trước khi rải nhựa chính là đá lấy từ một số mỏ đá xung quanh thành phố chứ chẳng nơi đâu xa. Xứ Thanh đẹp mắt bởi những cánh đồng uốn lượn quanh những đồi núi đá, và bên sườn núi, giữa cánh đồng nhấp nhô những mái nhà.

Khói bếp từ đâu vương ra giữa cánh đồng trong buổi sớm mai gợi lên nỗi nhớ nhà khôn xiết, xa hơn nữa là nhớ quê hương, nhớ quê cha đất tổ.

 
Đường lên Núi Đọ.  Ảnh: HHL

Trong hơn 40 danh lam thắng cảnh của xứ Thanh đa phần là núi đá thì Núi Đọ được xem là “xưởng chế tác công cụ của người tiền sử”. Rất nhiều cuộc khai quật khảo cổ học ở đây vào thập niên 1960 – 1970 đã minh chứng cho điều đó. Núi Đọ không có nhiều đá như những vùng núi khác. Phần lớn đất đai trên Núi Đọ khá màu mỡ, đó cũng là điều dễ hiểu vì Núi Đọ nằm hạ lưu của hai dòng sông nổi tiếng hùng vĩ nhất của xứ Thanh đó là sông Mã và sông Chu.

Đi trên đá gập ghềnh, luồn lách giữa những đám cỏ lau và bụi gai vươn tới ngực người. Ông Đỗ Trọng Kháng, tổ viên Tổ trật tự làng Đồng Me (trên địa danh hành chính trước đây là thôn 8, ngày nay nhập lại có tên là thôn 6, xã Thiệu Vân, thành phố Thanh Hóa) nhưng người dân vẫn gọi theo cái tên xưa cũ là làng, làng Đồng Me. Dẫn chúng tôi lên Núi Đọ, ông Kháng cười cho biết đúng với con đường của thủy tổ loài người, phải lau lách, đá núi, gai góc nhưng không có thú rừng.

Ngày trước Núi Đọ có cả một rừng lim cây nào cũng lớn, giờ chỉ còn sót lại một cây ở chùa. Từ “Bàn chân tiên” cắt ngang qua “Hang bắc bếp” không vượt nổi với vài trăm mét đường rậm rạp, ông Kháng buộc phải trở lại để dẫn chúng tôi về làng Đồng Me và đi theo một hướng khác.

Xe chạy tầm năm phút, ông Kháng dừng lại ở chỗ người dân đang xây nghĩa địa và chỉ về hướng tây “chỉ đi vài trăm mét là đến Hang bắc bếp, đó là nơi ngày xưa có người tiền sử trú ẩn, nhiều mảnh tước, rìu đá được tìm thấy ở đó”.

Vượt đoạn đường rừng giữa thời đại ngày nay vẫn cứ thấy nhọc nhằn, thương người xưa đã vượt qua tầng tầng lớp lớp nỗi sợ hãi và chiến đấu bằng lòng quả cảm. Cái cốt yếu trong lịch sử tiến hóa loài người đó là ý thức vươn lên, không thể cứ đứng im để nhìn mặt trời buổi sớm mai mọc ở đằng đông và lặn ở đằng tây một cách vô nghĩa.

Cũng bởi lẽ đó mà những ông Bưng, ông Vồm đã gánh núi đào sông, đoàn kết bên nhau để dựng xây và bảo vệ cộng đồng người nguyên thủy trong công cuộc di cư vĩ đại từ những ngọn núi xuống vùng đồng bằng, chiến đấu với thiên nhiên.

Có lẽ đó là huyết quản của người Núi Đọ xưa vẫn chảy trong con người của xứ Thanh hôm nay, chúng tôi nhận thấy điều đó ở ông Kháng, ông Tuấn, cụ Huê… khi họ kể về Núi Đọ, kể về Tiên Ông, về ông Vồm có sức mạnh đến vô biên với niềm tự hào và sự hàm ơn “từ việc sáng chế công cụ lao động đã giúp tổ tiên ta dễ dàng hơn trong lao động và trong chiến đấu bảo vệ cộng đồng của mình. Không có ngày thời kì đồ đá thì không có thời kì kim khí và khoa học kĩ thuật không phát triển được như ngày hôm nay”, ông Kháng tâm sự.

Hướng đến Hang bắc bếp không có đường, dù chỉ là một con đường mòn vừa để đặt bàn chân. Nó phủ đầy lau lách và đi Bắc bếp là đi theo trí nhớ của ông Đỗ Trọng Kháng, người có 30 năm tìm tòi những di vật trên Núi Đọ. Trong vô vàn cỏ gai rậm rạp, chúng tôi vừa đi vừa xác định lại hướng.

Cảm giác này gợi nhớ những câu chuyện huyền thoại của cư dân Núi Đọ về cuộc chiến tranh của những người khổng lồ. “Vết chân tiên” ngày nay còn lưu giữ ở khối đá nằm trong khuôn viên nhà ông Đỗ Văn Thoan là minh chứng cho câu chuyện thần thoại “ông Vồm” đánh giặc để bảo vệ cư dân Núi Đọ xưa kia.

Số đông người dân xem đây là vết chân khổng lồ của người Giao Chỉ. Tương truyền ngày xưa, trong cuộc giao tranh giữa “ông Vồm” với những người khổng lồ xâm lấn vùng đất Núi Đọ. Trong cao trào của cuộc chiến “ông Vồm” đã để lại một vết chân mà ngày nay người ta gọi là bàn chân tiên. Bước chân của người khổng lồ đi hàng trăm dặm, cũng bởi thế mà ở Núi Nưa (thuộc xã Tân Minh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) cũng có một bước chân của “ông Vồm”.

Hang bắc bếp, tương truyền là nơi thủy tổ loài người trú ẩn ở đây. Ảnh: HHL
Hang bắc bếp, tương truyền là nơi thủy tổ loài người trú ẩn ở đây. Ảnh: HHL

Ông Trần Văn Cần- Bí thư chi bộ thôn Đồng Me kể cho chúng tôi những tuồng tích về vết chân tiên. Đấy là những câu chuyện khách thập phương có thể tin hoặc có thể không nhưng với cư dân Núi Đọ họ tin đó là sự thật, vết chân tiên là vết chân của cha ông mình, sự hùng mạnh và niềm kiêu hãnh về tổ tiên là điều cốt lõi mà người dân Núi Đọ thừa kế.

Hàng ngàn di sản văn hóa

Núi Đọ, theo hai tên gọi khác nhau. Người dân Thiệu Vân và Thiệu Tân gọi là Núi Đọ nhưng người Thiệu Khánh thì gọi là Núi Tràn. Ngọn núi này nằm ở điểm giao nhau giữa sông Mã và sông Chu. Hai con sông hùng vĩ nhất xứ Thanh, nó đẹp mênh mang khi đứng trên núi Vồm nhìn xuống. Nhìn nước sông chảy mênh mang ôm lấy cánh đồng, uốn quanh những ngọn núi chúng tôi cảm thấy sự vấn vít giữa thiên nhiên và con người vô cùng diệu vợi.

Ông Nguyễn Quang Tuấn-  Xã đội phó Thiệu Vân nói rằng, người xưa khéo chọn. Một ngọn núi vào thời sơ khai của loài người, nó mang tầm vóc văn hóa nhân loại. Nhắc đến Núi Đọ bất kì ai cũng biết và nhắc đến Hang bắc bếp, Vết chân tiên thì người dân khắp vùng này ai cũng hay. Có nhiều câu chuyện liên quan đến hai di chỉ này, nó đều xuất phát từ thời tiền sử. Với người dân ở làng Đồng Me, Làng Đọ… thì đó là dấu vết của tổ tiên mình. Ông Nguyễn Bá Huê, 72 tuổi, người Làng Đọ kể say sưa về những chuyện ngày xưa và con đường dẫn đến vết chân tiên, Hang bắc bếp hiển hiện trong trí nhớ của ông Huê bằng những địa danh, những hình ảnh “phía bắc làng Đọ hồi trước có Chung đồ, nơi tụ tập của các quan lại. Từ Chung đồ có con đường đá men theo núi đi sang chỗ Bàn chân tiên. Vị trí tại Bàn Chân tiên có khu mộ cổ của nhà Lý. Trước khu mộ này có tấm bia cao 1,8m rộng 1,6m đã bị lấy làm mương thoát nước ở cống bêtông gần nhà ông Sản nhưng hiện tại vẫn chưa có ai khai quật để lấy”. Trên thực tế, các lần khai quật khảo cổ từ 1960 đến nay đã cho thấy rằng ở Núi Đọ, có rất nhiều vết tích của văn hóa Đông Sơn, văn hóa Chu Đậu, Phù Lãng… với trống đồng, thạp đồng, kiếm mác. Ngoài ra còn có nhiều khu mộ táng cổ thuộc giai đoạn Hán – Đường.

Làng Đồng Me một trong ít ngôi làng lâu đời nhất ở Núi Đọ. Ảnh: HHL
Làng Đồng Me một trong ít ngôi làng lâu đời nhất ở Núi Đọ. Ảnh: HHL

Trong suốt hành trình lên Núi Đọ, ông Đỗ Trọng Kháng cũng hay nhắc đến tấm bia thời nhà Lý, và khi nghe ông Huê nhắc, ông Kháng hỏi rất cặn kẽ. Phía bắc Làng Đọ có cả khu mộ cổ nằm sâu bên dưới lòng đất, bên trên là nghĩa địa nhân dân. Ngày nay nghĩa địa này ngưng lại sau khi có nhiều ý kiến người dân Núi Đọ về việc này. Âu đó cũng là một cách giữ gìn vạn năm văn hóa, và trên hết là cái tình của người dân ở đây “không biết thì thôi, biết không thể làm. Núi Đọ còn có Hang ông bếp, đây là một địa danh linh thiêng, phía nam có Hang cô kị. Trên Núi Đọ còn có một khối đá có rất nhiều bàn chân người nhưng tôi không còn nhớ rõ vị trí, chỉ biết chắc là có. Từ chỗ hòn đá nhiều vết chân người này đi xuống bàn đá chân tiên cũng không xa lắm”, ông Huê cho chúng tôi biết thêm.

Hơn một ngàn dân ở các làng xung quanh Núi Đọ là cả một kho tàng truyện cổ với đủ sắc màu huyền thoại về thuở bình minh của lịch sử loài người. Họ tự hào về nơi mình được sinh ra. Nếu Làng Đọ tự hào về tên làng gắn liền với ngọn núi nhân loại – Núi Đọ thì làng Đồng Me lại tự hào (được viết lên sẳn) bởi hai câu thơ khắc ở cổng làng “Núi Đọ, sông Chu muôn vàn nơi đất Việt/Ngàn năm vạn kiếp bước chân tiên”. Đó là điều đáng quý, một phần cư dân ở Núi Đọ tự hào về nền văn hóa sơ kì, mặt khác bấu víu vào vạn năm lịch sử ấy để trường tồn một cách mãnh liệt. Đó là nguồn cội để phát triển của xã hội loài người.

Hành trình 30 - 40 vạn năm

Núi Đọ là nơi thể hiện rõ ràng nhất của thuở bình minh sơ khai với dấu vết người nguyên thủy xuất hiện hầu hết ở đồi núi, hang đá. Qua 4 lần khai quật khảo cổ từ năm 1960 đến nay với 2.500 hiện vật bằng đá các loại tìm được, đó là những minh chứng cho một nền văn hóa sơ kì đồ đá cũ, điều này chứng minh cho vùng đất ven sông Mã, sông Chu là cái nôi của nhân loại. Nhưng với những gì người dân Núi Đọ lưu giữ, bằng những hiện vật, và độc đáo hơn cả là những chuyện kể lưu truyền trong dân gian, đó được xem là kho sử sống, là “bảo tàng” đáng tự hào của người dân xứ Thanh.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, ở Núi Đọ đã tồn tại một nền văn hóa sơ kỳ thời đại đá cũ và người nguyên thủy đã từng sinh sống cách ngày nay khoảng 30 - 40 vạn năm. Những công cụ đá được sử dụng, mảnh đá bị vứt bỏ trên sườn núi được xem là dấu vết cuối cùng của người nguyên thủy, cũng là dấu vết cuối cùng cho thấy đã từng tồn tại một nền văn hóa rất cổ của loài người trên đất Thanh Hóa.

Chùa Quy Cốc, một trong số ít ngôi chùa còn tồn tại ở Núi Đọ cho đến ngày nay. Ảnh: Hoàng Hải Lâm
Chùa Quy Cốc, một trong số ít ngôi chùa còn tồn tại ở Núi Đọ cho đến ngày nay. Ảnh: Hoàng Hải Lâm

Hơn một ngàn hộ dân ở Núi Đọ đều tự hào vì ở đây là cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn. Và cả chúng tôi, khi đặt chân đến Núi Đọ chúng tôi cũng có cảm xúc, những khấp khởi chờ mong của người con khi tìm về nguồn cội của mình. Cũng chính với điều ấy, không ai khác ngoài con người xứ Thanh, mà đặc biệt là đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần chú trọng trong việc quy hoạch, tôn tạo kể cả phục dựng lại Núi Đọ của 40 vạn năm để mỗi con người, khi nghĩ về nguồn cội đều hướng về xứ Thanh. Trong chúng ta, ai rồi cũng nghĩ thế. Là con người, ai cũng muốn một lần được trở về nguồn cội của mình, một lần để được đón ánh bình minh nơi thủy tổ loài người trước khi hoàng hôn buông xuống.

HOÀNG HẢI LÂM
TIN LIÊN QUAN

Nghi Sơn sải cánh vươn xa

Bùi Thị Dung |

Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa. Tấm bản đồ Quy hoạch định hướng phát triển không gian Khu kinh tế với nhiều mảng màu xanh, đỏ, vàng, tím khác nhau. Mảng lớn nhất tô màu xanh dương, vuông vức, giữa tấm bản đồ được ghi là Nhà máy Lọc hóa dầu, rồi các phân khu công nghiệp, khu cảng chuyên dụng, khu cảng tổng hợp, khu phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ, khu phi thuế quan, khu trung tâm, v.v…

Mùa vàng dưới chân mây

Dương Văn Hải |

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa trên địa phận huyện Quan Hóa và Bá Thước. Ở đây suốt bốn mùa không khí trong lành, thiên nhiên hoang sơ tuơi đẹp.

Mùa cói ở Quảng Xương

Trần Liên Chương |

Nằm ở vị trí giao thoa giữa hai đồng bằng Bắc Bộ và Trung bộ, Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, với hơn 155 làng nghề; trong đó, có những làng nghề nổi tiếng lâu đời với những sản phẩm chất lượng, tạo được thương hiệu.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Nghi Sơn sải cánh vươn xa

Bùi Thị Dung |

Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa. Tấm bản đồ Quy hoạch định hướng phát triển không gian Khu kinh tế với nhiều mảng màu xanh, đỏ, vàng, tím khác nhau. Mảng lớn nhất tô màu xanh dương, vuông vức, giữa tấm bản đồ được ghi là Nhà máy Lọc hóa dầu, rồi các phân khu công nghiệp, khu cảng chuyên dụng, khu cảng tổng hợp, khu phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ, khu phi thuế quan, khu trung tâm, v.v…

Mùa vàng dưới chân mây

Dương Văn Hải |

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa trên địa phận huyện Quan Hóa và Bá Thước. Ở đây suốt bốn mùa không khí trong lành, thiên nhiên hoang sơ tuơi đẹp.

Mùa cói ở Quảng Xương

Trần Liên Chương |

Nằm ở vị trí giao thoa giữa hai đồng bằng Bắc Bộ và Trung bộ, Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, với hơn 155 làng nghề; trong đó, có những làng nghề nổi tiếng lâu đời với những sản phẩm chất lượng, tạo được thương hiệu.