Đọc hồi ký của một nhà văn, người đọc sẽ biết về cuộc đời, sáng tác của nhà văn, những chặng đường, giai đoạn lịch sử tác giả đã trải qua và hơn thế, còn biết thêm về một số nhà văn nổi tiếng sống cùng thời với tác giả. Còn nhớ, cuốn hồi ký “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài hồi ra mắt gây “bão” dư luận vì ông tiết lộ nhiều chuyện chưa ai biết như nhà thơ Nguyễn Bính có con rơi và sau để con mất tích… Hay cuốn hồi ký “Từ bến sông Thương” của nữ sĩ Anh Thơ kể lại cuộc gặp đầu tiên có nhiều tình tiết thú vị của bà với nhà thơ Nguyễn Bính…
Về cuốn hồi ký “Bảy nổi ba chìm” của nhà văn Bắc Sơn ra đời khi ông đã U.80, đã có 24 đầu sách và có những thành quả đáng nể. Nhà văn Bắc Sơn tên thật là Nguyễn Công Bác, thoát ly gia đình từ nhỏ, tham gia đoàn thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước và trải qua một chặng đường dài học khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, làm thầy giáo dạy Văn, làm cán bộ quản lý ở Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội…
Cuốn sách của ông có 11 phần, mở đầu là “Tuổi thơ kháng chiến” cho đến các giai đoạn chính trong cuộc đời ông như “Vợ chồng là nghĩa tào khang”, “Mười năm cuối cán đầu binh”, “Học mót”… Độc giả sẽ có dịp hiểu thêm về hành trình sáng tác với bao lần vật vã của ý tưởng của câu chữ cũng như cả việc “lên bờ xuống ruộng” để bảo vệ từng con chữ “rứt ruột đẻ ra” của nhà văn Bắc Sơn. Như sự truân chuyên của cuốn “Lửa đắng”, viết mất hơn 1 năm, nhưng chạy để in mất gấp rưỡi thời gian. Còn khi viết thì “đóng cửa ngồi viết liền mấy tháng, không đi ra ngoài, đến nỗi viết xong cuốn sách sụt cả mấy cân”.
Hiểu thêm về nguồn năng lượng, nội lực nào đã giúp ông có thể “chuyển hệ” ngoạn mục từ đề tài cán bộ công chức như là “đặc sản” của riêng ông sang đề tài lính tăng đầy thách thức.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: “Tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn thường rất hấp dẫn. Hấp dẫn bởi nó rất thật. Mê hoặc người đọc mà không cần dùng đến phấn son đâu dễ. Đấy là cái tài của tác giả cũng là sự đóng góp rất cần được ghi nhận của Nguyễn Bắc Sơn trong văn học đương đại.
Trong cuốn hồi ký, nhà văn Bắc Sơn cũng công khai chuyện riêng từ cái thuở ban đầu say đắm đến khi kết hôn và sống chung với vợ đến tận bây giờ và thú nhận “mối tình đầu cũng là mối tình cuối để bây giờ 80 tuổi vẫn không nghiện rượu, bia, thuốc lá, chè, cà phê, không xổ số, không lô đề, không cờ bạc, chỉ nghiện em…”.
Bắc Sơn cũng dành một phần trang viết để kể về những nhà văn cùng thời mà ông có nhiều kỷ niệm như các nhà thơ: Phạm Hoa, Vũ Duy Thông, Bế Kiến Quốc, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà phê bình Bùi Việt Thắng… và hàng chục cái tên khác, cho thấy Bắc Sơn là sống nghĩa tình nên được nhiều bạn bè văn nghệ sĩ yêu quý.
Đọc cuốn “Bảy nổi ba chìm”, nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét “Không dứt ra được vì mới bập vào mấy chục trang đầu của cuốn sách là đã có cái thích thú vì nhận ra rằng trên đời này chẳng có cái gì bỗng chốc mà mất đi. Không có gì là mất đi. Không ai bị lãng quên”. Nhà văn Ma Văn Kháng thú thật cái cảm giác: đọc có mệt nhưng không nản vì nó làm gợi nhớ một thời chiến tranh và thời xây dựng đất nước. “Một thời con người vất vả nổi chìm để trụ lại với đời. Một thời đã qua còn lưu lại trong bóng hình một cá thể”.
Cảm giác khi đọc xong cuốn hồi ký “Bảy nổi ba chìm” là tác giả dù trải qua nhiều thăng trầm, truân chuyên nhưng vẫn hạnh phúc và cảm ơn cuộc đời. Như lời trong phần kết của ông “Người ta có tiền tỉ, hàng trăm tỉ trong Ngân hàng Quốc gia, tớ chỉ có 25 cuốn trong Thư viện Quốc gia thôi”.
Đó là cái giá trị vô giá của nhà văn.