Sự độc đáo của văn hoá xứ Thanh

Bài 2: Đánh thức tiềm năng để hội nhập, phát triển

Hoàng Minh Tường |

Xứ Thanh có 7 dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú từ bao đời đoàn kết bên nhau cùng chung sống, bức khảm tộc người đó ở tỉnh Thanh làm phong phú thêm sắc màu cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Từ ngàn xưa tới nay, xứ Thanh là một trong những cái nôi của lễ tục, lễ hội, trò chơi, trò diễn đặc sắc, lay động hồn người. Lễ hội truyền thống tỉnh Thanh được cả nước biết đến như vùng đồng bằng: lễ hội Mai An Tiêm, đền Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Quang Trung… và "nhất vui là hội Phủ Dày/Vui thì vui vậy chẳng tày Sòng Sơn"; miền núi: Lễ hội Khai hạ ở suối cá thần, hội Nàng Han, lễ hội Mường Ca Da, Mường Xia, Mường Đủ; lễ hội miền biển tôn vinh Hội đồng thần linh của tổng Lương Niêm (Sầm Sơn), lễ hội cầu ngư.

Tưng bừng lễ hội Sòng Sơn. Ảnh: Việt Hoà
Tưng bừng lễ hội Sòng Sơn. Ảnh: Việt Hoà

Các lễ tục phong phú và đặc sắc. Điều dễ nhận thấy là tín ngưỡng phồn thực khá phổ biến có ở khắp mọi vùng miền. Tiêu biểu như trò Chụt, trò Lý Liên, tục chơi Hang Lãm, cướp hệch... thể hiện khát vọng của nhân dân mong cho mùa màng, cây trái tốt tươi, vật nuôi sinh sôi nảy nở, dân khang vật thịnh.

Xứ Thanh là cái nôi của trò diễn. Trò Xuân Phả với hệ thống 5 trò diễn mang đậm yếu tố văn hoá cung đình gắn với các triều đại Đinh - Lê và Hậu Lê và đã được dân gian hoá, múa đèn (Đông Anh, Thiệu Quang), trò Tiên Cuội, trò Chuộc (múa rối), trò ngũ Bôn, trò Thuỷ, trò Thiếp, trò Chiềng...

Đồng bào Thái có múa quạt, múa nón, trò diễn Kin Chiêng boọc mạy, đồng bào Mường có múa Pồng pông, người Dao có múa rùa, múa bát, ngư­ời Mông có múa Ô, múa Khèn... phản ánh cuộc sống lao động và địa bàn cư trú của mỗi tộc người ở các vùng miền, đó còn là nguồn gốc của nghệ thuật sân khấu bác học sau này.

 
Xuân Phả - trò diễn độc đáo của Thanh Hoá, gắn liền với lễ hội Lam Kinh đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Mộc Miên

Thanh Hoá là miền đất của dân ca, dân vũ phong phú và đa sắc màu. Ít có nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này, chỉ một dòng sông lại mang đến 2 làn điệu dân ca độc đáo đến vậy. Sông Mã phía thượng nguồn chảy qua bao ghềnh thác, bọt tung trắng xoá, tiếng nước gầm gào chỉ chực ăn tươi nuốt sống những bè mảng nhỏ bé. Nơi đó con người cần hợp sức để vượt qua nên có điệu "Dô tả dô huầy" của hò sông Mã.

Nhưng cũng dòng sông ấy, qua đập Bái Thượng, nước chảy về miền đồng bằng êm đềm, mênh mang tưới mát cho ruộng đồng, in rõ bóng trăng trong những đêm tát nước gầu sòng nên lại có làn điệu dân ca Đông Anh "Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...". Không còn là sự dũng mãnh, nhịp rắn rỏi, cộng hưởng như hò sông Mã nữa mà êm đềm, dịu nhẹ, thân thương chẳng kém gì làn điệu quan họ của người Bắc Ninh.

Rồi còn đó nhiều làn điệu dân ca phong phú và đặc sắc như­ hát giao duyên, dân ca nghi lễ, hát đối đáp, hát ru... ở miền quê nào cũng có.

 
Hát xường giao duyên của người Mường Thanh Hoá đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Tộc người Mường ở Thanh Hoá cho đến nay vẫn còn giữ được dấu ấn của văn hoá Đông Sơn qua ngôn ngữ, tín ngưỡng và đặc biệt với nghệ thuật hoa văn thêu dệt và nghệ thuật sử dụng âm nhạc cồng chiêng.

Đồng bào các dân tộc thiểu số có vốn văn hoá văn nghệ dân gian đặc sắc và phong phú nh­ư Khặp (Thái), X­ường rang, Bọ mẹng (M­ường), Pả dung (Dao), hát Tơm (Khơ Mú), hát giã cốm (Thổ)... Người Mường xứ Thanh tự hào với: "Đất thì xường, Mường thì rang/ Kẻ chợ, Mường ngoài còn đang có tiếng".

Dân ca chính là điệu hồn của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, thiết tha mà đằm thắm ngợi ca con người, cuộc sống và cảnh vật thiên nhiên.

Mỗi vùng miền, làng bản ở xứ Thanh đều có những sản vật nổi tiếng gắn với văn hoá ẩm thực như cá mè sông Mực, nước mắm Do Xuyên, chè lam Phủ Quảng, cam, hến làng Giàng, phi Cầu Sài, mía tiến Triệu Tường, vịt Trạc Nhật, cà làng Hạc, khoai lang làng Lăng, bánh chưng Cầu Hậu, cháo đậu Quán Lào… đến làng quê nào ở xứ Thanh cũng đều bắt gặp để lúc rời xa nỗi nhớ lại tìm về:

… Ai về nhớ vải Đông Hoà

Nhớ cau Hổ Bái, nhớ cà Đan Nê

Nhớ dừa Quảng Hán, Lưu Khê

Nhớ cơm chợ Bản, thịt dê Quán Lào…

 
Chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá).

Miền núi tỉnh Thanh cũng không kém những đặc sản về văn hoá ẩm thực như đồ ăn cơm đồ, lợn thui, cá hấp, canh lóng, canh uôi… Đồ uống: rượu cần, rượu siêu, chè xanh… Trong văn hoá ẩm thực của đồng bào còn duy trì trong cuộc sống hôm nay vẫn còn “phả ra hương vị sơ sử” (PGS Từ Chi).

Là miền đất của giao lưu buôn bán từ xuôi lên ngược và từ ngược về xuôi theo dòng Mã giang lắm thác nhiều ghềnh. Song cũng chính nơi đây đã từng xuất hiện một loại chợ - chợ văn hoá - chợ tình duyên (có trước chợ tình Khau Vai 400 năm) làm đắm say lòng người nhiều thế hệ, đó là chợ Quan Hoàng - chợ tình mà nàng Nga mở hội kén chồng để rồi kết duyên cùng Hai Mối.

Địa điểm mở chợ tình này là miền bán sơn địa (Cẩm Thuỷ - Vĩnh Lộc), địa bàn sinh sống của cư dân Mường Việt. Quan Hoàng - chợ tình duyên xốn sang lòng nam thanh gái lịch của ngày hôm qua, chợ này cần được phục dựng và sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước dắt díu nhau về chợ. Tục chơi chợ Chuộng (Đông Hoà, Đông Sơn) là phiên chợ đầu xuân chỉ họp duy nhất một phiên trong năm. Phiên chợ có lệ tục lạ là "choảng" nhau để cầu may!

 
Phiên chợ Chuộng cầu may đầu năm mới. Ảnh: Hoài Thu

Là vùng đất cuối Bắc bộ không phải với những cánh đồng quanh năm trắng nước như ở Thái Bình, Nam Định, song vùng đất này cũng là một trong những cái nôi của trò rối nước, rối cạn: Trò chiềng, vật Bộc, rối Si/Cơm đắp kẻ Lở, cơm thi kẻ Lào

Trò múa rối cổ truyền còn có ở làng Chuộc (Ngọc Trực) nay là Thiệu Tiến, Thiệu Hoá. Con rối được làm to bằng em bé lên 8 lên 10 tuổi, trò rối làng Chuộc biểu diễn xong thì đốt con rối đi không để lại, đến khi nào cần diễn thì lại làm mới.

Thanh Hoá có một hình thức sân khấu độc đáo đó là “hát Bội” mà Bắc bộ hầu như không có. Hát bội (hát Tuồng) được các làng xã ven sông Mã và sông Chu vùng hạ lưu trình diễn. Hát tuồng là loại hình nghệ thuật mang tính cung đình, song cũng mang nhiều yếu tố dân gian với tổ nghề là Đào Duy Từ. Nơi đây là một trong những cái nôi của ca trù, được người Thanh Hoá gọi là hát ca công, hát cửa đình.

Về văn hoá tín ngưỡng, xứ Thanh gần như­ hội đủ các tín ngưỡng và tôn giáo bản địa cũng nh­ư ngoại nhập được người dân ở đây ngưỡng vọng và chiêm bái. Nhưng chỉ có ở miền đất này mới có tục thờ vị thần biển Độc Cước mang những giá trị khởi nguyên.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Đền Sòng, Phố Cát với điệu hát văn và "lảo đảo bóng cô đồng" thiêng liêng. Đặc biệt là Đạo Đông (Nội Đạo tràng), loại hình tôn giáo mang đậm tính dân tộc, phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng cho tới năm 1945 mới dần phai nhạt… sẽ là niềm hứng thú, giúp cho các học giả và du khách nghiên cứu và giải mã.

 
Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá).

Thành Nhà Hồ - di sản văn hoá thế giới đã trở thành điểm đến trên cuộc hành trình qua các miền di sản Trung bộ Việt Nam, cần phải nỗ lực phấn đấu để Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, kinh đô Vạn Lại-Yên Trường, Khu lăng miếu Triệu Tường xứng tầm cùng với hệ thống kinh đô cổ Việt Nam và Cố đô Hoa Lư, Huế, thánh địa Mỹ Sơn…

Di sản văn hoá phi vật thể như: Mo Đẻ đất đẻ nước, không gian văn hoá cồng chiêng của đồng bào Mường (Mường Thanh Hoá và Hoà Bình), trò Xuân Phả - phản ánh vị thế và sự bang giao của quốc gia Đại Việt, Hò sông Mã, Dân ca Đông Anh… tiếp tục được nghiên cứu, phát huy và xếp hạng, ghi danh và đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá Thế giới.  Hệ sinh thái gắn liền với khu dự trữ sinh quyển như: Vườn quốc gia Bến En, hệ thống rừng Xuân Liên, Pù Luông, Phù Hu, thảm thực vật và rừng cây Đảo Mê… cần được khảo sát, nghiên cứu để bảo vệ xếp hạng, mở cửa đón du khách  tham quan, thưởng ngoạn.

 
Ruộc bậc thang ở Pù Luông.

Trải qua nhiều nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, xứ Thanh luôn là miền đất hiểm yếu để hợp binh, chờ thời cơ diệt giặc; vùng đất địa linh sinh cho đất nước những tướng lĩnh tài ba, văn nho xuất chúng "lên ngựa cầm gươm, xuống ngựa cầm bút", họ chính là "những con người đã hoá núi sông ta", làm rạng rỡ nòi giống Tiên - Rồng.

Xứ Thanh - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, miền đất trầm tích các lớp văn hóa, lịch sử; đồng hành và có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Hãy đánh thức và phát huy những tiềm năng và thế mạnh ấy, để xây dựng và phát triển bền vững đất nước, quê hương trong thời kỳ hợp tác, hội nhập cùng phát triển.

Hoàng Minh Tường
TIN LIÊN QUAN

Vẻ đẹp bình dị của ẩm thực xứ Thanh

Tống Thị Thanh |

Đi khắp xứ Thanh, bất cứ nơi nào cũng có thể gặp được những món ăn ngon, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc địa phương.

Dòng sông hồn cốt xứ Thanh

Nhà văn Lê Ngọc Minh |

Có nhà thơ đã viết: “Cửa Tén Tằn sông Mã dồn quí thủy/Xây đắp miền cốt cách mấy tầng văn” (thơ Từ Nguyên Trực). Sông Mã, dòng sông lớn nhất miền Trung này đổ vào địa giới Thanh Hóa ở bản Tén Tằn, huyện Mường Lát tạo nên nền văn minh vật chất và tinh thần phong phú cho xứ Thanh, một vùng đất Địa Linh Nhân Kiệt.

Quê hương của “Cây chu đá, lá chu đồng”

Lâm Bằng |

“Một vùng non nước đẹp như tranh”, câu ví von ở đâu đó, thật đúng với Bá Thước. Mỗi lần đi từ Đồng Tâm lên phía Hồi Xuân, đến chặng làng Cha, nhìn xuống dòng sông Mã uốn lượn dưới chân dãy núi hùng vĩ, cao ngất, tôi đứng lại hồi lâu, ngắm mãi không chán.

Hàng trăm khách Việt có mặt ở Thái Lan cổ vũ trận chung kết AFF Cup

Ý Yên |

Từ 17h, không khí bên ngoài sân vận động Thammasat đã nóng lên với tiếng reo hò cổ vũ của hàng trăm cổ động viên trước trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vẻ đẹp bình dị của ẩm thực xứ Thanh

Tống Thị Thanh |

Đi khắp xứ Thanh, bất cứ nơi nào cũng có thể gặp được những món ăn ngon, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc địa phương.

Dòng sông hồn cốt xứ Thanh

Nhà văn Lê Ngọc Minh |

Có nhà thơ đã viết: “Cửa Tén Tằn sông Mã dồn quí thủy/Xây đắp miền cốt cách mấy tầng văn” (thơ Từ Nguyên Trực). Sông Mã, dòng sông lớn nhất miền Trung này đổ vào địa giới Thanh Hóa ở bản Tén Tằn, huyện Mường Lát tạo nên nền văn minh vật chất và tinh thần phong phú cho xứ Thanh, một vùng đất Địa Linh Nhân Kiệt.

Quê hương của “Cây chu đá, lá chu đồng”

Lâm Bằng |

“Một vùng non nước đẹp như tranh”, câu ví von ở đâu đó, thật đúng với Bá Thước. Mỗi lần đi từ Đồng Tâm lên phía Hồi Xuân, đến chặng làng Cha, nhìn xuống dòng sông Mã uốn lượn dưới chân dãy núi hùng vĩ, cao ngất, tôi đứng lại hồi lâu, ngắm mãi không chán.