Ai là tác giả thực sự của ca khúc "Một con vịt"?
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin về tác giả ca khúc "Một con vịt" vừa đạt 1 tỉ view trên YouTube. Có người cho rằng chủ nhân ca khúc là Kim Duyên - một giáo viên mầm non ở Hải Dương. Hiện tại, không rõ tác giả còn sống hay đã mất.
Tuy nhiên, trên website chính thức của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tác phẩm được đăng ký bản quyền bởi tác giả Lê Giang.
Điều này khiến nhiều người không rõ 2 ca khúc "Một con vịt" có phải là một hay không, và nếu có thì tác giả thực sự của ca khúc là ai.
Trao đổi với phóng viên Lao Động về tác giả thực sự của "Một con vịt", nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: "Tôi không biết tác giả Kim Duyên, cũng không biết chính xác ai là tác giả của bài "Một con vịt". Thậm chí, anh Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cũng từng gọi điện hỏi tôi, nhưng không ai biết chính xác cả. Vì yêu thích bài hát này nên tôi cũng lật đật đi tìm tác giả, nhưng không có kết quả".
Nhà thơ cho biết từ năm 1962, khi mới 4 tuổi, ông đã nghe bài hát này và thuộc lòng từ đó đến nay. Đồng thời, ông cho rằng đây không phải ca khúc do một nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác.
"Tôi đoán đây là một cô giáo dạy mẫu giáo, mầm non, sáng tác ra để dạy các con. Bài hát này rất hồn nhiên, đúng tâm lý trẻ con, lời đơn giản, dễ hát, em bé nào cũng hát được. Tác giả phải rất hiểu tâm lý trẻ con nên sáng tác ra trẻ con mới thích", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Tuy nhiên, Trần Đăng Khoa khẳng định, ca khúc này không phải do nhà thơ Lê Giang sáng tác. Ông chia sẻ: "Cô Lê Giang là nhà thơ, vợ bác Lư Nhất Vũ, mẹ vợ của nhà thơ Cao Xuân Sơn. Hiện tại cô vẫn còn sống.
Cô cũng hay viết lời cho các nhạc sĩ phổ thành nhạc nhưng chắc chắn cô không viết lời bài hát này, cũng không liên quan gì đến bài "Một con vịt". Vì nếu là của cô thì chắc chắn cô đã lên tiếng rồi".
Tiền tác quyền tác giả chảy đi đâu?
Liên quan đến vấn đề tác giả và tác quyền bài hát "Một con vịt", phóng viên Lao Động đã liên lạc với ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc của VCPMC, nhưng chưa có phản hồi.
Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, về nguyên tắc, bất cứ ai sử dụng bài hát của tác giả đều phải trả tiền bản quyền cho tác giả. Đồng thời, luật pháp quy định người sử dụng tác phẩm đều cần phải xin phép tác giả.
Tuy nhiên trên thực tế, vì khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, bản quyền được số hóa. Nhờ có hệ thống để tra soát và theo dõi trên các nền tảng như YouTube, người dùng có thể sản xuất MV mà không cần xin phép trước.
Sau đó, hệ thống quản lý YouTube cho phép tác giả ủy quyền cho các đối tác để thu tiền bản quyền âm nhạc từ những MV đã đăng tải.
Hệ thống quản lý nội dung của YouTube sẽ cung cấp đầy đủ thông tin MV đăng khi nào, bao nhiêu lượt xem để trích phí bản quyền cho tác giả.
Do đó, trên lý thuyết, tác giả hoàn toàn có thể truy thu phí bản quyền từ các sản phẩm chứa nhạc đã đăng từ trước đến nay, bằng cách nhờ các đối tác về quản lý tiền tác quyền của YouTube thu hộ.
Tuy nhiên, nhiều tác giả chưa hề biết điều này. Nhiều "đối tác" của YouTube có thể "mạo danh" và "nhân danh" tác giả để thu tiền tác quyền, trong khi tác giả không hề biết.
Rất nhiều câu hỏi đang đặt ra mà không có câu trả lời, nhìn ngay từ vụ ca khúc "Một con vịt". Ai là tác giả thực sự của ca khúc? Ai sẽ nhận được tiền tác quyền tác phẩm khi MV đạt tỉ view?