Nhân hệ số môn Ngữ văn, Toán dễ dẫn đến tình trạng học lệch
Thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 với 3 môn Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ. Dù là 3 môn thi trong một kỳ thi nhưng cách tính điểm hệ số các môn thi ở các địa phương đang có sự khác nhau.
Đa số các địa phương đều áp dụng nhân hệ số hai với bài thi môn Toán và Ngữ văn, riêng môn ngoại ngữ là hệ số một. Trong khi đó, một số tỉnh thành như Nghệ An, TPHCM, Quảng Bình,... lại áp dụng điểm hệ số 1 với tất cả các môn thi.
Việc nhân đôi hệ số điểm 2 môn Văn, Toán đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhiều quan điểm cho rằng cách tính điểm này không còn phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội) cho rằng, việc nhân đôi môn Toán, Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 như hiện nay vô hình chung đẩy áp lực cho học sinh, phụ huynh lên cao, thậm chí cho chính giáo viên 2 môn này về mặt gánh thành tích, dẫn đến tình trạng môn chính, môn phụ rõ nét.
"Mục tiêu giờ đây không chỉ là kiến thức mà quan trọng hơn là năng lực, phẩm chất, làm sao đánh giá học sinh một cách toàn diện. Do vậy, việc thi vào 10 cũng cần có bước chuyển mình phù hợp khi chỉ còn 2 lứa học sinh bậc THCS học theo chương trình cũ" - thầy Hiền nêu quan điểm.
Đã đến lúc bỏ hệ số môn Toán, Văn
Năm học 2022, Nghệ An áp dụng 3 môn thi là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp). Đây cũng là năm đầu tiên địa phương này áp dụng 3 môn thi cùng hệ số 1. Điểm thi tuyển là tổng điểm 3 bài thi đã tính theo hệ số và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích thay vì tính điểm hệ số 2 môn Toán và Ngữ văn như hằng năm.
Với sự thay đổi này, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước áp dụng 3 môn thi cùng tính hệ số 1.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An lý giải, mục đích của việc điều chỉnh hệ số là khuyến khích việc dạy và học tiếng Anh ở các nhà trường và nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An đánh giá, việc điều chỉnh hệ số về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển sinh của các nhà trường.
Dưới góc nhìn của nhà giáo, thầy Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà cũng cho rằng, dù có nhân hệ số hay không thì trong nguyên tắc xét tuyển vào lớp 10 là lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Do vậy, điều này không ảnh hưởng gì đến chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng học sinh đỗ hay hỏng bởi chỉ tiêu tuyển sinh được ấn định trước khi thi.
Chưa kể, việc nhân hệ số với một môn nào đó chỉ góp phần làm gia tăng việc học lệch môn. Học sinh chỉ lo tập trung học môn Toán, Ngữ văn rồi nảy sinh môn chính môn phụ và cũng dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm, luyện thi môn Toán, Ngữ văn.
"Đã đến lúc các địa phương cần thay đổi cách tính điểm của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 bằng cách tính theo hệ số 1 tất cả các môn thi tuyển mà nhiều tỉnh, thành đã thực hiện như: thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Nam Định… nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các bộ môn, đúng theo hướng dẫn của Thông tư số 26 về đánh giá xếp loại học sinh phù hợp với thực tế hiện nay" - thầy Lực chia sẻ.