Cách đây 3 tuần, em Nguyễn Thị Lâm Oanh - học sinh lớp 12 Trường THPT Chí Linh (Hải Dương) đã lên Hà Nội, tham dự ngày hội tuyển sinh để được lắng nghe đại diện các trường đại học tư vấn về việc chọn ngành nghề, cơ hội việc làm trong tương lai.
Nữ sinh không khỏi băn khoăn khi được thầy cô tư vấn, thị trường sẽ thay đổi trong thời gian tới, các ngành nghề sẽ có nhiều biến động. Câu hỏi Lâm Anh đặt ra, là em có nên chạy theo các ngành "hot" hay không.
"Em quan tâm ngành Tài chính, Ngân hàng. Sau khi được thầy cô tư vấn về phương thức xét tuyển, điểm, chương trình học, học phí, cơ hội việc làm, em đã có thể sắp xếp thứ tự nguyện vọng" - Lâm Oanh chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Long, học sinh lớp 12 ở quận Cầu Giấy cũng cảm thấy bối rối trong quá trình lựa chọn ngành học của mình:
"Em và nhiều bạn bè rủ nhau đăng kí ngành Marketing bởi nghe nói đây đang là "trend", sau này ra trường dễ xin việc làm. Em cũng đã tham khảo ý kiến các anh, chị khóa trước và được biết, ngành này môi trường học khá năng động và cơ hội việc làm rộng mở. Em hi vọng bản thân sẽ phù hợp với chương trình học tập của chuyên ngành này".
Không riêng Hoàng Long, rất nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng lựa chọn ngành nghề hot, chạy theo "trend", chẳng hạn như: Công nghệ thông tin, Digital Marketing, Kinh tế, Thiết kế đồ hoạ,…Mặc dù đây là những ngành đáp ứng xu thế của xã hội nhưng không phải mọi cá nhân đều phù hợp.
Thầy Nguyễn Viết Thiện - giáo viên Trường THPT Cô Tô (Quảng Ninh) nhận định, xu hướng chọn ngành, chọn nghề của học sinh đang có sự thay đổi lớn. Thay vì chọn 1 số ngành học mang tính chất ổn định như Y, Dược, Kế toán, Tài chính,... học sinh có xu hướng chọn lựa các ngành học mang tính chất năng động, hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa như: Du lịch, Văn hóa nước ngoài, Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, Quản trị nhà hàng - khách sạn…
"Nhiều học sinh chọn ngành, chọn trường theo độ hot. Đây là lối tư duy rất nguy hiểm, chạy theo phong trào mà không biết năng lực của mình có đáp ứng được không.
Các em học sinh phải hiểu bản thân mình đang có gì, muốn gì và sau này ra trường đáp ứng nhu cầu của xã hội ra sao, thu nhập có ổn định không để chọn ngành cho đúng.
Nếu các em chọn sai chọn ngành, nghề sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc và đặc biệt là cơ hội cho tương lai" - thầy Thiện nói.
Đồng quan điểm như trên, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng:
"Chỉ cách đây 2 năm, mọi thứ đã khác rất nhiều, công nghệ phát triển nhanh, các ngành nghề truyền thống như thủy sản, nông lâm, du lịch… không được lựa chọn nhiều như trước. Nếu chúng ta đặt tâm thức, có thái độ tốt, quyết tâm không sợ thất bại thì chúng ta có thể giữ được ngành nghề này. Còn nếu chạy theo những ngành “hot” thì 5 - 7 năm sau chưa chắc đã là lựa chọn tốt" - thầy Khánh chia sẻ.
Nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh đều khẳng định, mùa tuyển sinh năm 2023, cơ hội rất rộng mở với thí sinh. Các em có thể cùng lúc đăng ký nguyện vọng vào các lĩnh vực khác nhau, thậm chí trái nhau hoặc đăng ký nguyện vọng cùng một lĩnh vực/ngành của nhiều trường khác nhau.
Tuy nhiên, thí sinh cần đặc biệt lưu ý, nên lựa chọn lĩnh vực/ngành mình yêu thích, muốn học trước. Sau đó mới tiến hành chọn các trường có ngành đào tạo đó và xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.