Lựa chọn ngành học theo phong trào
Hiện nay, nhiều thí sinh có xu hướng lựa chọn ngành học theo phong trào, sự chỉ định của gia đình, người thân hoặc đơn giản là thấy bạn mình chọn ngành học đó nên cũng chọn theo. Cũng có những em lựa chọn theo xu thế của xã hội, số đông xã hội cho rằng ngành đó đang "hot", đẳng cấp thì các em chọn.
Chia sẻ với thí sinh, PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, nhiều em gặp phải tình trạng trên trong khi các em chưa chắc đã hiểu biết hay yêu thích ngành đó. Điều này dẫn đến việc, sau một thời gian học các em tự thấy mình không phù hợp, động lực học tập cũng không còn.
"Các em cần xét xem bản thân mình thích ngành gì, năng lực bản thân có phù hợp không. Và ngoài năng lực chuyên môn các em cũng cần lưu ý đến các yếu tố về sức khoẻ, tài chính...
Nếu thí sinh thích một ngành học nào đó, nhưng ngành đó lại đòi hỏi tài chính vượt quá khả năng chi trả của gia đình thì không nhất thiết phải lựa chọn ngành đó" - PGS Nguyên đưa ra lời khuyên.
Không tìm hiểu kỹ trường đào tạo
Cũng vì tình trạng chọn ngành nghề theo phong trào, không có định hướng, nhiều thí sinh đã không tìm hiểu kỹ về trường mình theo học.
TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên thí sinh nên tìm hiểu kỹ ngôi trường mình mong muốn học. Hiện tại nhiều trường công khai cơ hội việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp làm kênh tham khảo, tham chiếu.
"Việc chọn theo uy tín của các trường, tôi nghĩ các em phải chọn xem trường đó đào tạo như thế nào, có phù hợp với năng lực của mình không" - TS Thuận nói.
Về vấn đề "Thí sinh chọn ngành học theo bản thân hay xu hướng xã hội?", PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho rằng, các em nên chọn ngành học trước, sau đó mới chọn trường phù hợp.
Ngành đào tạo quan trọng hơn chọn trường vì nó sẽ giúp định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Làm thế nào để chọn đúng ngành nghề?
Trả lời câu hỏi "Làm thế nào để chọn đúng ngành nghề?", TS Nguyễn Quang Thuận cho rằng, khi chọn ngành nghề, quan trọng nhất là thí sinh phải xét năng lực của mình đến đâu, có yêu thích hay không, nhu cầu xã hội về ngành nghề đó thế nào, và cuối cùng là thu nhập.
"Vậy làm thế nào để xác định cụ thể mình yêu thích ngành nghề nào? Các em có thể dùng phương pháp xét nghiệm tính cách, hỏi chuyên gia, tư vấn qua truyền hình để có thêm thông tin, từ đó phân tích tổng hợp và đưa ra quyết định cuối cùng" - TS Thuận đưa ra lời khuyên.