Nhiều trường đại học thông báo tăng học phí
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 - 3,5 triệu đồng/ tháng.
So với năm học 2021 - 2022 thì mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành Y Dược tăng 71,3% (hiện ở mức trần 1,43 triệu đồng/ tháng sẽ tăng lên 2,45 triệu đồng/ tháng). Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên tăng 15,3%.
Cũng theo nghị định này, lộ trình tăng học phí của các trường còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện tự chủ. Bởi theo quy định, với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ mức 1 (đảm bảo chi thường xuyên), học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên.
Theo thông tin từ các trường, học phí từ năm học tới dự kiến tăng. Cụ thể, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra dự kiến mức học phí năm 2022, đối với các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí.
Các ngành khác hệ đại trà tăng từ 276.000 đồng/ tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ) lên 440.559 đồng/ tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/ tín chỉ (tạm tính, chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh) lên 1.321.677 đồng/ tín chỉ.
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022. Mức thu dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022-2023 là 4.200.000 đồng/ tháng, so với mức 3.500.000 đồng/ tháng cho khóa tuyển sinh năm 2021 đã tăng thêm 20%.
Tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí dự kiến cao nhất khoảng 44,4 triệu đồng đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So sánh với mức học phí là 32 triệu đồng/ năm 2021, mức tăng này đã đạt đến 37,5%.
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục đại học khác như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng,... cũng thông báo tăng học phí.
Tăng học phí, tăng nỗi lo
Chị Lê Thị Cấp (phụ huynh học sinh tại Thanh Hóa) cho biết, con gái chị có nguyện vọng thi vào chuyên ngành Báo mạng điện tử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Điều gia đình băn khoăn nhất hiện nay là học phí.
"Thông qua tìm hiểu, con gái tôi cho biết học phí của Học viện Báo chí năm học tới sẽ tăng gần gấp đôi. Điều này khiến cả gia đình phải suy nghĩ vì học phí tăng cao gây ra nhiều khó khăn cho phụ huynh, làm gia tăng áp lực tài chính, đặc biệt với những gia đình đông con trong độ tuổi đến trường" - chị Cấp chia sẻ.
Dự định thi vào Trường Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, em Thùy Dương - học sinh Trường THPT An Dương (Hải Phòng) cho biết, em đã tìm hiểu về học phí của trường và cảm thấy lăn tăn. Theo Dương, học phí khóa mới tăng ở mức khá cao, nếu may mắn thi đỗ vào trường, Dương phải cố gắng giành học bổng để giảm bớt gánh nặng học phí cho gia đình. Hoặc em sẽ lựa chọn thi vào những trường có nhóm ngành kinh tế nhưng học phí thấp hơn.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Minh - phụ huynh học sinh tại Hà Nội cho rằng, chủ trương tăng học phí là cần thiết nếu đặt đúng mục tiêu. Theo đó, tăng học phí phải đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng chương trình học, mở rộng các chương trình ngoại khóa. Bên cạnh đó, nhà trường phải công khai điều kiện đào tạo, chất lượng đào tạo để phụ huynh và sinh viên cùng giám sát.