Ngày 1.7, Đoàn công tác số 1 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2022 của tỉnh Hà Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị, sự chủ động, phối hợp và trách nhiệm của tỉnh Hà Nam cho kỳ thi. Đặc biệt đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ, nhanh chóng của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam khi đã có văn bản, chỉ thị chỉ đạo đến các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sớm nhất so với cả nước.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nam Phạm Anh Tuấn cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Hà Nam có 23 điểm thi đặt tại 23 trường THPT, với 404 phòng thi/9225 thí sinh dự thi. Trong đó giáo dục phổ thông có 8087 thí sinh, giáo dục thường xuyên có 1138 thí sinh. Để tổ chức kỳ thi, Hà Nam huy động 1040 cán bộ coi thi, 194 cán bộ giám sát và lực lượng công an, trật tự viên, phục vụ, y tế, bảo vệ trên 500 người.
Công tác in sao đề thi được đảm bảo cao nhất yếu tố bảo mật. Việc lưu trữ bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi có sự giám sát tuyệt đối 24 giờ/ngày của hệ thống camera an ninh và lực lượng công an trực, bảo vệ. Các trường THPT đã thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh phòng dịch, đảm bảo an ninh, an toàn điểm thi; rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ kỳ thi...
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý - đây là kỳ thi quốc gia, mục đích là tốt nghiệp, nhưng còn xét tuyển đại học, tính cạnh tranh rất cao, cần tổ chức an ninh an toàn ở từng điểm thi. "Việc tổ chức kỳ thi hoàn toàn không mới, nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả lớn, cần kiểm soát tốt tình hình” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng lưu ý, các hình thức gian lận công nghệ cao ngày càng phức tạp. Vì vậy, các nhà trường cần chú ý đến trường hợp hàng rào điểm thi gần khu vực nhà dân. Bởi các đối tượng có thể đặt điện thoại, thiết bị công nghệ cao ở hàng rào hoặc nhà dân.
Tại buổi làm việc, ông Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cũng nhấn mạnh, trong công tác tập huấn cán bộ coi thi và phổ biến tới thí sinh, cần nói rõ về thời hạn giữ bí mật nhà nước đối với đề thi, tăng nhận thức của mọi người.
“Những năm trước chúng ta nói chung chung, nhưng năm nay hướng dẫn nói rất rõ. Cụ thể, cần nhấn mạnh rằng, phải hết thời gian làm bài đối với bài thi trắc nghiệm và hết 2/3 thời gian làm bài đối với bài thi Ngữ văn thì mới được coi là hết thời gian bảo mật bí mật nhà nước.
Tất cả các tình huống phát sinh trong thời hạn bảo mật thì đều bị xử lý theo quy định pháp luật, thậm chí xử lý hình sự” - ông Phong nói.