Thí sinh ‘’nóng lòng” tìm đến những trang ôn thi trên mạng
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 cận kề, các thí sinh đang tăng tốc về đích. Để củng cố lại hệ thống kiến thức, rất nhiều thí sinh chọn tham khảo những đề thi trên mạng vì tính đa dạng, phong phú của nó.
Em Nguyễn Văn Đạt - học sinh Trường THPT Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết, vì nóng lòng ôn thi nên em đã bị mất tiền oan cho các đối tượng lừa đảo. Đạt cho biết, trong quá trình ôn tập, em đã tham gia vào nhiều nhóm luyện thi khác nhau để tìm kiếm các đề ôn tập.
“Những đề công khai thời gian đầu khá chất lượng, sau đó quản trị viên thông báo mở bán đề với giá 350.000 đồng/trọn bộ đề khoa học tự nhiên. Em không suy nghĩ nhiều mà mua luôn. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm đề thì em nhận thấy, các đề trùng lặp rất nhiều, đáp án không chính xác, giống như cóp nhặt rồi về xào xáo lại.
Đây chính là bài học cho em và các bạn thí sinh khác về việc chọn lọc, kiểm định nguồn tin trên mạng để tránh tiền mất tật mang” - Đạt nói.
Em Trương Phương Ly - học sinh Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc) cho biết, ở giai đoạn cuối này, chủ yếu em luyện đề, đồng thời hệ thống lại kiến thức đã học. Ngoài đề thầy cô tự biên soạn hoặc sưu tầm từ các tỉnh khác, Phương Ly tìm thêm một số đề trên mạng để tham khảo.
“Em chọn đề trên mạng vì khá nhanh và tiện, chỉ cần 1 cú click chuột sẽ có hàng nghìn kết quả tìm kiếm trên Google. Cá nhân em thường tìm đến đề khảo sát của các tỉnh vì nguồn đề rõ ràng và câu hỏi bám sát với nội dung thi tốt nghiệp. Ngoài ra, em cũng tham khảo thêm đề ở một số trang luyện thi khác.
Theo kinh nghiệm chọn đề của em thì nên tránh những đề có nguồn sưu tầm vì kiến thức không rõ ràng, thậm chí còn bị sai kiến thức, gặp khó khăn trong quá trình ôn tập” - Phương Ly chia sẻ.
Thí sinh cần chọn lọc đề để ôn luyện
Dành lời khuyên cho học sinh về việc chọn lọc đề ôn luyện, thầy Đỗ Quốc Phòng - giáo viên Hóa học, Trường THPT Liễn Sơn (Vĩnh Phúc) cho biết, đề thi trên mạng như một ma trận, không phải đề nào cũng uy tín. Vì vậy, học sinh nên tham khảo thầy cô trước khi chọn đề hoặc mua các sách luyện thi, các khóa học ôn thi để không bị mất tiền oan cho những kiến thức chung chung, sáo rỗng.
“Nếu cần dạng đề liên quan đến nội dung ôn tập các em có thể xin thầy cô, hoặc tham khảo đề ở các tỉnh, thành phố khác. Chú ý nguồn đề rõ ràng, những đề không có nguồn rõ ràng hoặc sưu tầm thì các em không nên tham khảo.
Tôi cho rằng, việc mua sách luyện thi hoặc các khóa học ôn thi thời điểm này là không cần thiết. Bởi trong giai đoạn nước rút, việc quan trọng nhất là hệ thống lại kiến thức. Các em bỏ tiền mua các khóa học để học thêm các nội dung khác chắc chắn sẽ không kịp, gây lãng phí” - thầy Phòng đưa ra lời khuyên.
Thầy Trần Tuấn Thi - giáo viên Toán học, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hưng Yên) cho biết, hiện nay, thị trường có rất nhiều tài liệu, sách ôn tập. Theo đó, thí sinh không nên học tủ bất cứ môn nào mà cần dàn trải kiến thức.
Theo thầy Thi, tham khảo đề trên mạng cũng tốt vì điều đó chứng tỏ học sinh có tính tự giác, ôn thi nghiêm túc. Tuy nhiên, cần biết chọn lựa, sàng lọc thông tin để tránh rơi vào “bẫy” của những kẻ lừa đảo.
"Các em có thể bị mất vài trăm nghìn, thậm chí cả vài triệu đồng cho những tài liệu không thể sử dụng được. Nếu gặp khó khăn trong việc tìm tài liệu ôn tập, tốt nhất nên liên hệ trực tiếp thầy cô để đưa ra lời khuyên và giải pháp" - thầy Thi nhắn nhủ.