Quá trình xây dựng đề thi hết sức công phu và phức tạp
Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được tổ chức đầu tiên vào năm 2020 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của học sinh, phụ huynh và xã hội. Năm nay, kỳ thi được mở rộng về quy mô, phạm vi và số trường sử dụng kết quả để xét tuyển.
Kỳ thi hướng tới lựa chọn thí sinh có năng lực học tập tốt, nên các câu hỏi trong bài thi có tính phân loại cao với phổ điểm rộng. Với phương thức này, những ngành nổi trội sẽ dễ dàng lựa chọn được sinh viên xuất sắc, đáp ứng tính khắt khe trong tuyển chọn.
Việc tham gia kỳ thi đánh giá tư duy cũng là một cơ hội nữa cho các thí sinh năm nay xét tuyển vào trường đại học yêu thích, bên cạnh phương thức truyền thống xét tuyển bằng điểm thi THPT.
Trước đó, Bách khoa Hà Nội đã tổ chức thành công 2 buổi thi thử, vào tháng 1.2022 và tháng 3.2022 với độ khó và phân loại học sinh tương đương đề thi thật để thí sinh có thể làm quen với dạng đề và có phương án ôn thi phù hợp.
Chỉ tiêu xét tuyển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dựa trên kỳ thi đánh giá tư duy tăng mạnh, chiếm đến 50 – 60% trong tổng số 7990 chỉ tiêu. Ngoài ra, 20 trường đại học khác trong cả nước cũng sẽ sử dụng kết quả của Bài thi này để xét tuyển.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, quá trình xây dựng đề thi hết sức công phu và phức tạp. Bên cạnh đội ngũ ra đề thi giàu kinh nghiệm và giỏi nghiệp vụ, cùng quy trình tổ chức nghiêm ngặt, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sử dụng đơn vị độc lập với chuyên môn đo lường giáo dục để đánh giá và hiệu chỉnh chất lượng đề thi sao cho bám sát chương trình THPT.
Tuân thủ cơ chế tuyển sinh, kỳ thi tư duy cung cấp dữ liệu để xét tuyển đại học như một phương thức riêng biệt. Kết quả từ kỳ thi này sẽ được nhập và lưu lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được xét đồng thời với các nguyện vọng khác.
Địa điểm tổ chức
Kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức chính thức mở đăng ký vào ngày 25.5 và kéo dài đến 17h00 ngày 15.6.2022.
Kỳ thi năm nay được diễn ra trong 1 ngày, vào ngày 15.7 và 1 tuần sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh từ nhiều vùng, trường tổ chức kỳ thi tại 5 tỉnh/ thành phố gồm Hà Nội (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường lân cận), Hải Phòng (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam), Nghệ An (Trường Đại học Vinh), Tuyên Quang (Trường Đại học Tân Trào) và Đà Nẵng (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng).
Cấu trúc bài thi
Về cấu trúc, bài thi tổ hợp diễn ra trong 270 phút, gồm 3 phần: Phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Thí sinh bắt buộc làm các phần thi Toán – Đọc hiểu. Ở phần thi tự chọn, thí sinh có thể chọn phần thi khoa học tự nhiên hoặc tiếng Anh, hoặc cả hai.
Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, 2 phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để đảm bảo các thí sinh có thể thi cả 3 phần.
Bài thi đánh giá tư duy sẽ được thi trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi THPT. Riêng môn Toán và tiếng Anh có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày của các thí sinh.
Hiện nay, có 3 kỳ thi riêng tại Việt Nam có kết quả được áp dụng rộng rãi trong xét tuyển đại học là: Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.