Chủ động xây dựng chiến lược đăng ký nguyện vọng
Hiện nhiều thí sinh nhẹ gánh lo âu vì đã trúng tuyển đại học bằng phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ THPT, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực… Thế nhưng, việc điền nguyện vọng với nhiều em vẫn là mối lo ngại lớn.
Dù đã trúng tuyển vào 2 trường đại học với phương thức xét tuyển sớm nhưng Hoàng Châu Anh - học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) vẫn dự định đăng ký khoảng 20 nguyện vọng .
"Em cảm thấy chưa hài lòng với kết quả trúng tuyển của mình. Vì vậy, em sẽ đăng ký thêm, những nguyện vọng đầu tiên sẽ là các trường và ngành học mà em yêu thích, sau đó sẽ tới nguyện vọng em đã đỗ xét tuyển sớm cho yên tâm" - Châu Anh nói.
Còn Nguyễn Quang Minh - học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) lựa chọn phương thức xét tuyển đại học bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Hiện em đã có chiến lược đăng ký nguyện vọng cho riêng mình.
“Sau khi kỳ thi kết thúc, em đã so sánh đáp án các môn trắc nghiệm và ước lượng được điểm số của mình. Bởi vậy, em dự định đăng ký 3 nguyện vọng vào các trường có ngành mà em yêu thích” - Minh chia sẻ.
Hãy lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng thông minh
Việc đăng ký nguyện vọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả đỗ trượt của thí sinh vào ngôi trường mình mong ước. Hiện nhiều thí sinh vẫn băn khoăn không biết nên sắp xếp nguyện vọng như thế nào là phù hợp.
Nhấn mạnh việc thí sinh cần nghiên cứu và suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển, TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội - khuyến cáo, thí sinh không nên vội vàng đăng ký sớm khi chưa tìm hiểu kỹ về ngành, trường học.
"Để tránh tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt tất cả các nguyện vọng, thí sinh nên khai thác tối đa quyền được đăng ký số nguyện vọng của mình. Theo đó, thí sinh nên đăng ký cả nguyện vọng vào ngành có điểm trúng tuyển cao và những ngành có điểm trúng tuyển ở mức độ vừa phải" - TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, thí sinh cần nghiên cứu và tìm hiểu về chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh của những ngành mà mình quan tâm. Từ đó có thể tránh việc chỉ đăng ký vào những ngành không còn nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - cho biết, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển đại học 2023.
Để đảm bảo cơ hội trúng tuyển cao nhất và tránh lãng phí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khuyên thí sinh nên tham khảo và đăng ký từ 5 - 7 nguyện vọng xét tuyển.
"Dù đăng ký bao nhiêu nguyện vọng thì phải đặt nguyện vọng mình yêu thích nhất lên trên, rồi đến các nguyện vọng tiếp theo. Phần mềm hỗ trợ xét tuyển của Bộ GDĐT sẽ giúp thí sinh được trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà các em đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển" - TS Phạm Như Nghệ lưu ý.