“Treo đầu dê, bán thịt chó”?
Theo dõi thông báo tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Văn Hiến (VHU), nhiều người “tá hoả” khi chuyên ngành Điều dưỡng được xếp trong ngành Quản trị Kinh doanh. Chuyên ngành này xét tuyển cả bằng hình thức điểm học bạ lẫn điểm thi tốt nghiệp THPT. Mức điểm sàn nhận hồ sơ được trường đưa ra là từ 15 điểm, không phải từ 19 điểm theo quy định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ở nhóm ngành Sức khỏe.
Điều dưỡng là nghề liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, đây là ngành học đặc thù, một nghiệp vụ quan trọng thuộc hệ thống Y tế, đóng vai trò kiểm tra và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân từ thời kỳ đầu đến khi phục hồi. Để đào tạo ngành học này, các trường đại học phải đảm bảo về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và phải trải qua một quy trình kiểm tra chặt chẽ của Bộ GDĐT và Bộ Y tế. Cử nhân Điều dưỡng có chương trình đào tạo trong 4 năm.
Tuy nhiên, theo thông báo tuyển sinh của VHU Điều dưỡng chỉ được xếp thành 1 chuyên ngành trong ngành học Quản trị Kinh doanh - một nhóm ngành thuộc lĩnh vực kinh tế. Sinh viên học ngành Quản trị Kinh doanh được nhà trường chia thành các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Kinh doanh thương mại, Quản trị nhân sự, Marketing, Điều dưỡng.
Thậm chí, khung chương trình đào tạo ngành học này được trường cung cấp cho Báo Lao Động vào ngày 10.8 cũng không có 1 học phần nào gắn bó mật thiết với lĩnh vực Điều dưỡng.
Lập lờ đào tạo về truyền thông báo chí
Theo ghi nhận của Lao Động, trong nhiều năm qua, VHU - một trường tư thục đã thực hiện tuyển sinh với chuyên ngành liên quan tới báo chí. Cụ thể, có chuyên ngành Xã hội học truyền thông – báo chí trong ngành Xã hội học; chuyên ngành Truyền thông - báo chí trong ngành Quan hệ Công chúng.
Quy định tại điểm 3, mục II về thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đối với công tác báo chí - xuất bản, trong Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17.10.1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về "Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản" có nêu: "Đào tạo bồi dưỡng báo chí chủ yếu là trong nước dưới sự thống nhất của Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học dân lập, tư thục".
Khi trường tuyển sinh những chuyên ngành có liên quan tới báo chí đã có nhiều tranh luận về vấn đề này.
Nhà trường nói gì?
Trả lời chất vấn của Lao Động về vấn đề mở chuyên ngành Điều dưỡng trong ngành Quản trị Kinh doanh, ông Trần Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng VHU cho rằng: “Thực ra, đây không phải chuyên ngành Điều dưỡng mà có 2 chuyên ngành chúng tôi đang đặt tâm huyết là Quản lý bệnh viện và Quản lý điều dưỡng. Đây là một trong những chuyên ngành mà nhiều người đưa ra ý kiến đặt ở đâu cho phù hợp, ở khối Chăm sóc sức khỏe hay khối Quản trị. Nhà trường có thế mạnh về quản trị nên đặt trong Quản trị Kinh doanh”.
Trước câu hỏi tại sao không đào tạo chuyên môn về Điều dưỡng nhưng lại “quảng cáo” tuyển sinh như vậy, ông Hương cho hay sẽ có điều chỉnh cho phù hợp và phải được thể hiện một cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần làm việc với Báo Lao Động, cập nhật đến sáng 16.8, “lời hứa” của đại diện nhà trường chưa được điều chỉnh hay có thông báo giải thích rõ ràng trên website của trường.
Còn về đào tạo chuyên ngành có báo chí, ông Trần Minh Hậu - đại diện Ban Điều hành VHU cho rằng, nhà trường chưa có mã ngành đào tạo báo chí mà chỉ có các chuyên ngành như báo nêu. “Việc này chủ yếu định hướng cho sinh viên các lĩnh vực sâu với mục đích hướng dẫn sinh viên truyền thông trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực báo chí”, ông Hậu cho hay.
Thừa nhận tên chuyên ngành gây hiểu nhầm, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trần Thanh Hương nói: “Việc gắn chữ báo chí khiến cho có nhiều anh chị hiểu nhầm sang khía cạnh là đang đào tạo báo chí. Nhưng đó là đứng trên góc độ của xã hội học về truyền thông báo chí”.
Mặc dù các đại diện của VHU liên tục khẳng định không đào tạo liên quan tới báo chí, nhưng ngay trong chương trình đào tạo đã xuất hiện nhiều nội dung, học phần giảng dạy về báo chí. Đặc biệt, trong các phần hướng nghiệp, giới thiệu về cơ hội việc làm thì phần giới thiệu về vị trí việc làm phóng viên, biên tập viên làm việc tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng thông tấn, đài phát thanh, đài truyền hình và các kênh truyền thông… luôn được đặt ưu tiên trong top đầu.
Về đào tạo liên quan tới Báo chí, một lãnh đạo từng làm việc trong lĩnh vực Giáo dục Đại học của Bộ GDĐT phân tích: Việc mở 2 chuyên ngành trên, xét dưới các góc độ đều chưa đúng quy định.
Thứ nhất, về các trường tư thục không được mở các khoa, lớp Báo chí thì cũng có nghĩa là không được đào tạo liên ngành với Báo chí. Các trường mở chuyên ngành, liên ngành có từ Báo chí đều không đúng quy định.
Thứ hai, theo Quyết định 01/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, Báo chí và Truyền thông là nhóm ngành cấp III. Theo Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học thì Báo chí được quy định là một ngành trong nhóm ngành trên.
Như vậy, theo 2 quy định trên thì Báo chí là tên một ngành đào tạo độc lập, có thể ghép với một ngành gần nào đó để xây dựng một chương trình đào tạo liên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội (nhưng không trùng với tên nhóm ngành) chứ không thể thành chuyên ngành của một ngành khác.
Ngoài ra, vị này cũng nhấn mạnh khi trường đào tạo như trên nghĩa là trên bảng điểm, phụ lục văn bằng, chuẩn đầu ra của ngành đó vẫn ghi tên chuyên ngành. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên vẫn như tốt nghiệp ngành Báo chí. Đây là hình thức “đánh lận”, “lách luật”.
Có thể thấy, những thông tin không rõ ràng, quảng cáo lập lờ như trên sẽ khiến không ít phụ huynh, học sinh và đơn vị sử dụng lao động lầm tưởng về chương trình đào tạo, trình độ năng lực sau khi tốt nghiệp của sinh viên.