Vai người công nhân nặng trĩu
Con đỗ đại học vừa là niềm vui, niềm tự hào đối với cha mẹ, nhưng ẩn sau nụ cười hạnh phúc đó lại chất chứa cả vạn nỗi lo, đặc biệt là những gia đình công nhân nghèo. Bởi vai họ sẽ gồng gánh thêm nhiều khoản chi phí khiến cuộc sống mưu sinh vốn khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Rơm rớm nước mắt kể về hoàn cảnh gia đình, chị Nguyễn Thị Nhã - công nhân công ty Partron Vina (KCN Khai Quang - Vĩnh Phúc) cho biết, một mình chị phải lo toan công việc gia đình và nuôi 3 con ăn học. Công việc của chị bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 19 giờ tối, ngày cuối tuần chị cố gắng tăng ca để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Quần quật cả ngày để cuối tháng thu về hơn 8 triệu đồng, số tiền đó là chi phí sinh hoạt cho cả gia đình, tiền học cho 2 đứa con út học cấp 2 và con gái lớn đang ôn thi đại học. Có những đợt khó khăn đỉnh điểm, chị Nhã phải bán non đàn lợn, bán cả con bò giống để có tiền nộp học phí cho các con.
"Kỳ thi sắp tới là bước ngoặt lớn của cuộc đời con gái lớn, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng khiến con suy nghĩ nhiều lắm. Tôi nghe con nói muốn học các ngành liên quan đến Kinh tế, nhưng học phí cao lắm, cả mấy chục triệu một học kỳ. Đó còn chưa tính đến tiền trọ, tiền sinh hoạt phí, tiền sách vở. Công nhân nghèo như chúng tôi biết phải xoay xở thế nào?" - chị Nhã thở dài.
Hoàn cảnh của chị Lê Thanh Hiền cũng không khá khẩm là bao, vợ chồng chị là công nhân ở công ty DK UIL Việt Nam (KCN Quế Võ - Bắc Ninh). Vừa lo chi phí cho con lớn ôn thi đại học, vừa phải chạy vạy khắp nơi lo cho mẹ chồng ốm đau phải nằm viện.
Ngày thường chị Hiền làm việc 8 tiếng, riêng thứ 7 và chủ nhật xin nghỉ để chăm mẹ trong viện. Thu nhập cũng chỉ quanh quẩn mức 4,2 đến gần 6 triệu đồng. Số tiền chi tiêu vượt quá thu nhập, gia đình lâm vào cảnh nợ nần phải đóng lãi hàng tháng.
"Tôi cũng ước tính, hàng tháng, tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống, sách vở, sinh hoạt của con học đại học cũng ngót nghét 4 triệu đồng. Số lương của tôi sẽ dùng để chu cấp tiền cho con. Còn học phí cả chục triệu đồng một kỳ, tôi sẽ tích góp, thậm chí phải vay mượn. Chắc chắn sẽ khó khăn, khốn đốn nhưng không thể bỏ cuộc" - chị Hiền tâm sự.
Kiến nghị chính sách hỗ trợ
Nhớ lại ngày con trai nhận giấy báo nhập học, chị Lê Thị Hương (Thanh Hóa) bất giác bật khóc: "Con trai tôi là đứa hiểu chuyện, con đỗ đại học nhưng giấu chúng tôi vì thấy mẹ quá khổ. Con muốn nghỉ học đi làm công nhân để cùng phụ mẹ nuôi em ăn học".
Chị Hương là mẹ đơn thân, làm công nhân tại Công ty giày Sunjade 8 năm ròng, lương chỉ đủ trang trải cuộc sống và tiền học của 2 con. Thương con, thương hoàn cảnh của chính mình, chị Hương nhất mực khuyên con đi học vì chỉ có học mới thoát nghèo, mới thay đổi được cuộc sống hiện tại. Được sự tư vấn, chị Hương đã đăng ký vay vốn sinh viên để con có điều kiện tốt nhất tham gia học tập.
Tuy nhiên, với mức vay vốn 4 triệu đồng/tháng, chị Hương cho rằng, nỗi lo về chi phí học tập và sinh hoạt phí của con vẫn chưa thể khắc phục. Chị Hương mong mỏi chính sách về vay vốn sinh viên có định mức cao hơn, thời gian vay kéo dài.
"Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cho sinh viên vay đủ tiền để đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Đồng thời kéo dài thời gian vay vốn, không nên lo việc sinh viên không trả nợ vay vì có nhiều cách để ngăn chặn và xử lý việc này" - chị Hương nêu quan điểm.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Hải - công nhân khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Vĩnh Phúc) cũng nhận về không ít lời gièm pha từ hàng xóm khi quyết định vay mượn cho con đi học đại học. Nhưng anh Hải vẫn nhất mực khẳng định, thu nhập của gia đình không cao, nhưng chưa bao giờ anh có ý nghĩ cướp đi ước mơ học đại học của các con. Dù khó khăn, phải gồng gánh vay mượn anh vẫn sẽ cố gắng không để con cái thiệt thòi.
"Họ nói, nhà nghèo như vậy thì để các con học xong lớp 12 rồi đi làm công ty đỡ đần gia đình, cực khổ làm gì để sau này cũng gác bằng cử nhân đi làm công ty. Tôi và vợ nhất quyết không nghe theo, bởi chúng tôi đã không được học hành đến nơi đến chốn. Dù có khổ, có vất vả, chúng tôi cũng chịu được, chỉ mong các con được học hành tử tế, có công việc ổn định" - anh Hải bộc bạch.
Anh Hải cũng kiến nghị các đoàn thể cần nắm bắt nhu cầu vay vốn của học sinh, sinh viên để hỗ trợ cho vay kịp thời. Đồng thời, có chính sách gia hạn thời gian vay cho các sinh viên có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Từ đó, tránh tình trạng bỏ hoặc nghỉ học do không đủ kinh tế đóng học phí, gia đình công nhân cũng bớt gánh nặng khi con vào đại học.