Mới đây, một chiếc xe 7 chỗ đã tông sập cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2 trên đường Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1. Điều đáng nói là cổng bệnh viện này được xây từ thời Pháp, cả tuổi đời trên 100 năm và Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, có tuổi đời gần 150 năm. Vậy việc tông sập cổng bệnh viện sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2013 quy định: Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khoản 3, Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2013 cũng quy định rõ: Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Trong đó di tích lịch sử - văn hóa có các công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị… Pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa.
Theo Luật sư Hồ Nguyên Lễ, hành vi tông sập cổng bệnh viện cần được xem xét có dấu hiệu vi phạm “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay không.
Theo quy định này, “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác… thì bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Nếu gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Tình tiết tăng nặng là: Không có giấy phép lái xe theo quy định; hoặc trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác… thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Bên cạnh đó, vì Bệnh viện Nhi đồng 2 được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật, nên việc tông sập cổng bệnh viện có thể xem xét có vi phạm “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 345 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay không.
Tuy nhiên, với tội danh này, cần phải xét đến yếu tố chủ quan là người vi phạm cố ý, biết rõ là di tích mà vẫn xâm hại di tích hay không. Nếu cố ý và mức thiệt hại di tích có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Như vậy, cần phải giám định sự thiệt hại tài sản của di tích để có cơ sở xử lý hình sự.
Ngoài ra, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, vì ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ.
Sau khi có kết quả xác định thiệt hại thực tế, mức độ lỗi của người chịu trách nhiệm bồi thường, các bên có thể thỏa thuận hình thức, phương thức bồi thường, trường hợp không thỏa thuận được có thể khởi kiện ra tòa án. Nguyên tắc về bồi thường thiệt hại được xác định theo điều Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015.