Vợ ly thân có được hưởng di sản của chồng?

Nguyễn Thị Thúy Hường |

Sau một thời gian yêu thương, như nhiều cặp đôi, anh Thân và chị Thơi mong muốn sống chung một nhà để cùng nhau chia sẻ những vui buồn và họ cưới nhau. Thực ra, trước khi kết hôn, anh chị đã phải trải qua một số sóng gió mới trở thành vợ chồng. Cha mẹ anh Thân không ưa chị Thơi lắm, vì lúc yêu nhau, mấy lần anh đưa chị về nhà chơi, ông bà thấy chị có vẻ kênh kiệu, ăn nói trống không và không biết lễ phép, nên không hài lòng.

Không những vậy, mỗi khi đến chơi, nhà có làm cơm thì chị Thơi cũng chẳng buồn phụ giúp mà cứ ngồi ở phòng khách mắt dán vào điện thoại, chẳng biết mọi người chuẩn bị cơm nước đến đâu rồi. Đến bữa, anh Thân phải năn nỉ, gọi mấy lần thì chị mới vào ăn cơm cùng với gia đình anh.

Bất hạnh vì không nghe lời cha mẹ

Mặc dầu cha mẹ khuyên can anh Thân không nên lấy chị Thơi, nhưng vì quá si mê chị nên anh bỏ mặc ngoài tai những lời can gián, thậm chí cả những giọt nước mắt của người mẹ. Đám cưới xong, chị Thơi nhất định phải ra riêng chứ không chịu cảnh làm dâu. Chiều vợ, anh Thân cũng dọn đồ ra riêng dù gia đình chỉ có anh và cô em gái. Cô em thì cũng đã lập gia đình và đang ở nhà chồng. Cả căn nhà rộng lớn của cha mẹ anh Thân giờ chỉ còn có ông bà già ở. Xót con phải đi ở thuê, ở mướn trong khi cha mẹ lại có nhà cao cửa rộng, cha mẹ anh Thân thường xuyên gọi con trai và con dâu về ở chung. Sau nhiều lần thuyết phục, anh Thân và chị Thơi mới chịu dọn đồ về chung sống cùng ông bà.

Vốn dĩ không siêng năng lại kém cư xử, nên chị Thơi không được lòng cha mẹ chồng. Mâu thuẫn với gia đình chồng ngày một lớn dần. Chị Thơi ra điều kiện với anh Thân, một là dọn đồ ra ở riêng, hai là vợ chồng ly thân. Sau một thời gian chịu đựng những yêu sách, đòi hỏi của chị Thơi, dần dần anh Thân cũng không còn yêu chị như trước nữa. Hơn nữa, cha mẹ anh đã tuổi cao, sức yếu, cần phải có người chăm sóc vì vậy anh Thân không chịu ra ở riêng nữa. Quá ngỡ ngàng vì quyết định của chồng, chị Thơi quay về nhà cha mẹ đẻ, cách nhà chồng cả mấy trăm cây số sinh sống. Vậy là mỗi người mỗi ngả. Cuộc hôn nhân của anh chị chuyển sang trang buồn.

Do quá ngán ngẩm với cuộc sống hiện tại, lại bận chăm sóc cha mẹ đau yếu, anh Thân không có nhiều thời gian để suy nghĩ cho cuộc hôn nhân của mình. Sau một thời gian lâm bệnh, cha mẹ anh Thân lần lượt qua đời. Đám ma ông bà, chị Thơi cũng chẳng về chịu tang dù hai người chưa ly dị. Thấy chị Thơi bạc bẽo, vô tình, anh Thân thật sự ân hận về sự lựa chọn của mình trước đây. Cũng vì không nghe lời cha mẹ mà hôn nhân của anh mới dang dở như vậy.

Cuộc đời không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Sau khi cha mẹ anh mất được mấy tháng thì anh Thân trên đường đi làm về gặp tai nạn và qua đời. Trong đám tang của anh Thân, chị Thơi đột ngột xuất hiện. Em gái anh Thân chẳng muốn trò chuyện với chị Thơi, nhưng nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận, hơn nữa trên giấy tờ hai người vẫn là vợ chồng, nên em gái anh Thân vẫn lịch sự chào hỏi. Nhưng trái với suy nghĩ của em gái anh Thân, mục đích thật sự của chị Thơi về đám tang là tìm cách chia tài sản, vì cho rằng vẫn là vợ của anh Thân nên có quyền hưởng một phần căn nhà. Em gái anh Thân nói với chị Thơi rằng căn nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ anh, chứ không phải là của anh Thân mà chị Thơi đòi chia. Dù nói thế nào chị Thơi cũng không chịu. Sau đám tang, em gái anh Thân tìm luật sư nhờ tư vấn.

Đừng nên lơ lửng

Theo luật định, căn nhà thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cha mẹ anh Thân, khi ông bà qua đời thì sẽ được phân chia thừa kế. Nếu cha mẹ anh Thân không có di chúc hoặc có nhưng di chúc không hợp pháp, thì căn nhà sẽ được phân chia theo pháp luật. Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: a) Không có di chúc; b) Di chúc không hợp pháp; c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. 2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy nếu khi cha mẹ của anh Thân qua đời mà chỉ có anh Thân và người em gái thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thì căn nhà sẽ được chia làm 2 phần bằng nhau, anh Thân và người em gái mỗi người sẽ được thừa hưởng một nửa căn nhà. Khi anh Thân qua đời mà không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp, thì vợ anh, tức là chị Thơi, thuộc hàng thừa kế thứ nhất, dù hai người đã ly thân. Vì thế, chị Thơi vẫn có quyền hưởng di sản do anh Thân để lại.

Dù em gái của anh Thân có vẻ buồn, nhưng pháp luật đã quy định thế. Câu chuyện của anh Thân thật đáng để suy ngẫm. Các bạn trẻ nên thận trọng khi kết hôn và nếu cuộc hôn nhân không hoà hợp, mâu thuẫn giữa các bên nghiêm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được thì tốt nhất nên chọn ly hôn chứ không nên treo lơ lửng như vậy. Ngoài ra, chúng ta nên tìm hiểu về cách lập di chúc hợp pháp để tránh xảy ra tranh chấp sau này.

Nguyễn Thị Thúy Hường
TIN LIÊN QUAN

Nghệ An: Vì sao thu ngân sách hơn 20 nghìn tỉ nhưng không đủ chi?

QUANG ĐẠI |

Tính đến hết năm 2022, thu ngân sách của tỉnh Nghệ An đạt 21.152 tỉ đồng, tăng 40,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Hà Nội: Cận Tết, giá pháo hoa Z121 vẫn ở mức cao

HỮU CHÁNH |

Càng cận Tết Nguyên đán 2023, nhiều dân buôn tích trữ pháo hoa Z121 ồ ạt xả hàng với mức giá rẻ hơn so với tháng trước. Còn pháo hoa ở một số đại lý của Nhà máy Z121 vẫn được bán ở mức giá cao so với niêm yết.

Ông Putin ký luật về cổ đông của các nước "không thân thiện"

Khánh Minh |

Các công ty liên doanh Nga có quyền ra quyết định mà không cần lá phiếu của cổ đông các nước "không thân thiện" - theo sắc lệnh mới của Tổng thống Vladimir Putin.

Sau 772 ngày, Messi và Ronaldo sẽ gặp nhau?

Văn An |

Trong chương cuối sự nghiệp, Messi và Ronaldo sẽ có cơ hội gặp nhau… 

Vợ chồng trẻ đau đầu chuyện biếu Tết nội, ngoại

Phương Trang |

Biếu quà Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ, biếu quà làm sao để không làm mất lòng ai,... luôn là nỗi niềm đau đáu của các gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự tọa đàm lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam-WEF

Khánh Minh |

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam-WEF, nhấn mạnh triết lý phát triển của Việt Nam là lấy con người và hành tinh là động lực cho phát triển bền vững.