Tại đây, một CSGT đã có những lời lẽ qua lại với lái xe, trong đó có nói Giấy phép lái xe quốc tế không có giá trị trên lãnh thổ Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Học, Giám đốc Công ty Luật TNHH TDH, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Theo clip được đăng tải trên một số trang facebook, lý do CSGT đưa ra để giữ xe là không đúng. Bởi lẽ, năm 2014, Việt Nam đã gia nhập Công ước Vienna về Giao thông Đường bộ năm 1968 (có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 20.8.2014). Điểm c, khoản 2, điều 41 Công ước này quy định các quốc gia ký kết phải công nhận giấy phép lái xe quốc tế và được lái xe hợp lệ trên lãnh thổ của mình, miễn là giấy phép đó vẫn còn hiệu lực và được cấp bởi quốc gia ký kết. Đức cũng là thành viên và tham gia ký kết công ước từ ngày thông qua 8.11.1968.
Khoản 10, điều 33, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe cơ giới đường bộ có quy định: Người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thực hiện như sau: a) Nếu có giấy phép lái xe quốc gia phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam; b) Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Do cả Việt Nam và Đức đều là thành viên Công ước về Giao thông Đường bộ 1968, nên nếu việc người lái xe đó được cơ quan có thẩm quyền nước Đức cấp giấy phép lái xe quốc tế là có giá trị sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc chiến sĩ CSGT trong khi thực thi pháp luật lại có những phát ngôn như trong clip đã ghi nhận là một thiếu sót, dẫn tới áp dụng sai pháp luật, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của CSGT nói riêng và ngành công an nói chung.