Anh Nguyễn Đức (ở Hà Nội) hỏi: Bố mẹ tôi đã già yếu nên thống nhất về việc thay đổi hình thức nhận lương hưu và chuyển vào tài khoản của cá nhân tôi. Sau khi tim hiểu trên cổng baohiemxahoi.gov.vn, tôi đã thực hiện mời công chứng đến nhà và làm giấy ủy quyền theo mẫu Mẫu số 13-HSB.
Nội dung uỷ quyền như sau:
- Người hưởng lĩnh chế độ bảo hiểm xã hội bằng tiền mặt chuyển sang lĩnh bằng tài khoản cá nhân và ngược lại, hoặc thay đổi thông tin cá nhân, thay đổi thông tin người hưởng.
- Cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán chi phí bảo hiểm y tế với cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Đăng ký sử dụng, điều chỉnh thông tin và ngừng sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, khi ra cơ quan bảo hiểm xã hội quận nơi sinh sống, cán bộ tiếp nhận không đồng ý và yêu cầu phải viết rõ trong giấy ủy quyền việc chuyển lương vào tài khoản nào, ngân hàng nào.
Vậy cơ quan bảo hiểm xã hội quận đã làm đúng thủ tục và quy trình chưa, tôi có phải bổ sung thông tin như yêu cầu của họ không?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:
Căn cứ Điều 1 Công văn số 1817/BHXH-TCKT ngày 27.5.2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định:
"Khi người hưởng có yêu cầu chuyển tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của mình vào tài khoản người khác, bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn người hưởng lập Giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB) hoặc Hợp đồng ủy quyền.
Tại nội dung ủy quyền ghi rõ các thông tin của người được ủy quyền (tên chủ tài khoản, số tài khoản cá nhân, ngân hàng nơi mở tài khoản) gửi Đại diện chi trả hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội."
Như vậy, bảo hiểm xã hội quận kiểm tra và hướng dẫn bạn đọc bổ sung thông tin của người được ủy quyền (tên chủ tài khoản, số tài khoản cá nhân, ngân hàng nơi mở tài khoản) là đúng theo quy định.