Kỳ họp WHA khởi động tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 22.5 để tập trung bàn thảo các vấn đề chính bao gồm ứng phó với đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn và Sáng kiến Y tế Toàn cầu vì Hòa bình.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các quan chức tại phiên khai mạc, mặc dù số ca được báo cáo đã giảm kể từ đỉnh sóng Omicron, nhưng vẫn cần đề cao cảnh giác, không được xao nhãng nỗ lực chấm dứt đại dịch.
“Việc từ chối xét nghiệm và giải trình tự có nghĩa là chúng ta đang tự làm mờ mắt mình trước sự tiến hóa của virus” - CGTN dẫn lời ông Tedros nói, đồng thời lưu ý rằng gần 1 tỉ người ở các quốc gia có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm phòng.
Trong một báo cáo hàng tuần về tình hình COVID-19 toàn cầu công bố hôm 19.5, WHO cho biết số ca nhiễm mới dường như đã ổn định sau nhiều tuần giảm kể từ cuối tháng 3, trong khi tổng số ca tử vong hàng tuần giảm.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, với 60% dân số thế giới được tiêm chủng, “nhưng đại dịch không kết thúc ở bất cứ đâu cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi" - ông Tedros nhấn mạnh.
Tổng giám đốc WHO nói thêm: “Các trường hợp được báo cáo đang gia tăng ở gần 70 quốc gia trong tất cả các khu vực và điều này xảy ra ở một thế giới mà tỷ lệ xét nghiệm đã giảm mạnh”.
Ông cho biết các trường hợp tử vong đang gia tăng ở Châu Phi, châu lục có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất. Chỉ có 57 quốc gia - hầu hết đều là những nước giàu có - đã tiêm phòng cho 70% dân số.
Kêu gọi bao phủ tiêm chủng rộng hơn
Trong khi nguồn cung vaccine COVID-19 trên thế giới đã được cải thiện, thì vẫn chưa có đủ "cam kết chính trị để triển khai tiêm vaccine”. Theo ông Tedros, có khoảng cách về năng lực triển khai ở một số quốc gia trong khi những nước khác lại thiếu kinh phí.
Ông Tedros nói: “Nhìn chung, chúng tôi thấy sự chần chừ về vaccine do thông tin sai lệch và không đúng sự thật. Đại dịch sẽ không biến mất một cách kỳ diệu, nhưng chúng ta có thể kết thúc nó”.
Với hơn 3,8 tỉ liều vaccine COVID-19 được tiêm cho đến nay, thế giới tiếp tục chứng kiến sự chênh lệch rõ rệt về tiêm chủng khi các quốc gia có thu nhập thấp vật lộn để tiêm chủng cho dân số. Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập cao hơn hiện tiêm liều thứ tư hoặc thậm chí thứ năm.
Theo WHO, chỉ có 16% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm một liều vaccine - so với 80% ở các nước thu nhập cao. 18 quốc gia có ít hơn 10% dân số được tiêm vaccine COVID-19.
Cần hành động nhiều hơn để bảo vệ mọi người
Tổng giám đốc WHO cho hay, tất cả các quốc gia nên duy trì giám sát và giải trình tự COVID-19, đồng thời chuẩn bị đưa vào áp dụng lại và điều chỉnh các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng khi cần thiết. Ngoài ra, các quốc gia cần khôi phục các dịch vụ y tế thiết yếu càng nhanh càng tốt và làm việc với cộng đồng để xây dựng lòng tin.
"Đại dịch không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất trong thế giới của chúng ta" - ông Tedros nói, lặp lại chủ đề của WHA lần thứ 75 - "Sức khỏe cho Hòa bình, Hòa bình cho Sức khỏe”.
Ông thông báo, chương trình nghị sự của hội nghị cũng sẽ bao gồm các cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp ở Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Nam Sudan, Syria, Ukraina và Yemen.
"Chiến tranh làm lung lay và phá tan nền tảng của các xã hội ổn định trước đây. Nó tước đoạt các dịch vụ y tế thiết yếu của toàn thể cộng đồng, khiến trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine... Thật vậy, chiến tranh, đói kém và bệnh tật là bạn đồng hành” - ông nói.
WHO đã xác minh 373 cuộc tấn công vào các cơ sở y tế hoặc nhân viên ở 14 quốc gia và vùng lãnh thổ cho đến nay trong năm nay. Các cuộc tấn công đã cướp đi sinh mạng của 154 nhân viên y tế và bệnh nhân và khiến 131 người bị thương.
"Các cuộc tấn công vào nhân viên y tế và cơ sở y tế là vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Nhưng chúng cũng là cuộc tấn công vào quyền được bảo vệ sức khỏe" - ông Tedros nói.
Kỳ họp WHA kéo dài bảy ngày dự kiến sẽ là kỳ họp với số lượng lớn nhất các chủ đề được thảo luận và các nghị quyết được thông qua, bao gồm cả việc bổ nhiệm một tổng giám đốc mới của WHO trong 5 năm tới. Tổng giám đốc Tedros đương nhiệm hiện là ứng cử viên duy nhất.