Cuộc khai quật giúp thay đổi hiểu biết
Zhu Shihong, nhà khảo cổ 55 tuổi, đã làm việc bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng - một trong những địa điểm khảo cổ nổi tiếng nhất của Trung Quốc - suốt 3 thập kỷ qua.
Ông đang giám sát một cuộc khai quật lớn mới về đội quân đất nung - cuộc khai quật mà nhiều chuyên gia dự đoán sẽ làm thay đổi hiểu biết về những người bảo vệ cổ đại của vị hoàng đế Trung Quốc đầu tiên.
Địa điểm đội quân đất nung được chia thành ba khu vực chính. Hố số 1 là hố đầu tiên được khai quật và vẫn là hố được biết đến nhiều nhất, gồm hơn 6.000 chiến binh.
Hố số 3 - được khai quật hoàn toàn vào cuối những năm 1980 - từng là trung tâm chỉ huy của quân đội.
Hố số 2 gần như chưa được khai quật, nhưng có thể là nơi hấp dẫn nhất. Các cuộc khảo sát sơ bộ cho thấy Hố số 2 bao gồm những gì Zhu mô tả là “lực lượng đặc biệt” của quân đội: một đơn vị hỗn hợp bao gồm kỵ binh, cung thủ và xe ngựa.
Theo trang Sixth Tone, những kỹ thuật khảo cổ mới như phân tích hóa học, máy quét tia X không chỉ cho phép các nhà nghiên cứu ghép lại một bức tranh chính xác hơn về đội quân đất nung ban đầu mà còn cung cấp những hiểu biết mới hấp dẫn về các chiến thuật quân sự mà nhà Tần sử dụng.
Cỗ máy chiến tranh Trung Quốc cổ đại
Nhà Tần (221-206 trước Công nguyên) được đặt tên theo nước Tần - nước đã chinh phạt sáu nước chư hầu trong thời Chiến quốc, dưới sự dẫn dắt của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa. Quân đội nhà Tần đã trở thành huyền thoại nhờ những người lính dũng cảm, những vị tướng khôn ngoan và vũ khí tinh vi.
Nhưng nghiên cứu tại Tây An tiết lộ rằng quân Tần thậm chí còn tiên tiến hơn so với giả định trước đây. Đối với các nhà sử học quân sự, đội quân đất nung cung cấp cái nhìn độc đáo về chiến tranh Trung Quốc cổ đại.
“Các nhà nghiên cứu hoặc nhà sử học nghiệp dư về các vấn đề quân sự cổ đại hầu như chỉ dựa vào tư liệu lịch sử” - nhà sử học Li Shuo, tác giả của “300 năm chiến tranh Nam-Bắc nói với Sixth Tone. “Đội quân đất nung là một ngoại lệ cực hiếm. Những tác phẩm điêu khắc giống như thật cung cấp cái nhìn sâu sắc về văn hóa và chiến thuật quân sự Trung Quốc cổ đại”.
Một số phát hiện về đội quân của Tần Thủy Hoàng đã được biết đến trong nhiều thập kỷ, chẳng hạn như việc họ sử dụng một trung tâm chỉ huy riêng biệt. Trung tâm chỉ huy độc lập giúp các tướng lĩnh có cái nhìn tốt hơn về chiến trường, nhưng dường như cũng phản ánh thế giới quan nam nhi của nhà Tần: Túp lều của các tướng lĩnh có hình dạng giống ký tự Trung Quốc cổ đại chỉ cơ quan sinh sản của nam giới.
Khi các nhà nghiên cứu cải thiện khả năng tập hợp lại chính xác các chiến binh trong Hố số 1, thậm chí xác định loại áo giáp và vũ khí từng mang theo, họ bắt đầu hiểu rằng đội quân bộ binh đa dạng và có tổ chức hơn so với hiểu biết ban đầu.
Đội ngũ hình chữ nhật gồm ba hàng quân được trang bị nhẹ ở phía trước, hai bên sườn và phía sau được bảo vệ bởi một hàng chiến binh mặc giáp nặng. Ở giữa là các chỉ huy cưỡi xe ngựa và các đội quân vũ trang.
Nhà Tần thậm chí còn quy định các kiểu tóc khác nhau cho từng loại chiến binh. Từ lâu, các nhà khảo cổ học đã lưu ý rằng các chiến binh có một vài kiểu tóc khác nhau, chẳng hạn như jieze (một loại búi tóc), bianji (tóc đuôi ngựa buộc ra sau đầu) hoặc yuanji (búi tóc cố định vào bên phải của đầu). Nhưng nghiên cứu sau đó hé lộ rằng kiểu tóc của những người lính cũng phù hợp với loại thiết bị mà họ mang theo.
Phân tích tư thế và cử chỉ tay của các chiến binh, cũng như các mảnh vũ khí được tìm thấy trong hố, cho thấy các chiến binh với kiểu tóc jieze sử dụng một loại vũ khí gọi là pi. Trong khi đó, các nhân vật với kiểu tóc yuanji và bianji lần lượt sử dụng kích và nỏ.
Quân đội cũng được sắp xếp theo đội hình tùy theo kiểu tóc: Các chiến binh jieze được bố trí ở hai bên, quân yuanji tập trung ở giữa, trong khi bộ binh bianji ở gần phía sau.
“Tại sao lại dùng kiểu tóc để phân biệt? Bởi vì trên chiến trường, đây có thể là dấu hiệu rõ ràng nhất mà các tướng lĩnh có thể nhận ra khi nhìn thoáng qua” - Shen Maosheng, trưởng nhóm khai quật Hố số 1, nói.
Đơn vị “lực lượng đặc biệt” trong Hố số 2 dường như còn phức tạp hơn. Nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng địa điểm này có hơn 900 chiến binh, 470 con ngựa và 80 cỗ xe. Và chúng được tổ chức tỉ mỉ. Đơn vị được chia thành bốn đội hình: cung thủ, kỵ binh; một nhóm xe ngựa; và đội quân hỗn hợp gồm chiến xa, bộ binh và kỵ binh.
Nhà khảo cổ học Yuan Zhongyi lưu ý, các đội hình ở Hố 2 dường như phản ánh một câu nói tinh túy trong “Binh pháp Tôn Tẫn”, khuyên các tướng lĩnh nên sử dụng “nhiều chiến xa hơn để dễ dàng tiến lên; nhiều kỵ binh hơn khi gặp nguy hiểm; nhiều cung thủ hơn khi gặp khó khăn”.
Tuy nhiên, những phát hiện này chỉ dựa trên các khảo sát ban đầu và khai quật thử nghiệm. Chỉ có một cuộc khai quật khảo cổ đầy đủ mới tiết lộ chính xác hình dáng của những chiến binh được chôn trong Hố số 2 và cách chúng được sắp xếp.