Bối cảnh
Khi đi vào hoạt động, Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) sẽ đưa khí đốt tự nhiên từ Nga đến Châu Âu. Đường ống này chạy từ Nga trực tiếp đến Đức qua Biển Baltic, song song với Nord Stream 1. Các chuyên gia cho biết, Nord Stream 2 sẽ không làm tăng đáng kể lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga sang Châu Âu, nhưng nó có thể định tuyến lại - có nghĩa là nhiều khí đốt tự nhiên hơn sẽ chảy trực tiếp đến Đức và có khả năng bỏ qua các đường ống hiện có khác chạy qua các nước Châu Âu khác, trong đó đáng kể nhất là Ukraina.
Mỹ coi đường ống dẫn khí này là một công cụ địa chính trị của Nga để làm suy yếu an ninh năng lượng và an ninh quốc gia của Châu Âu. Ukraina cũng nhìn nhận theo hướng này và muốn đường ống dẫn khí ngừng hoạt động.
Khi Nord Stream 2 vận hành, Nga sẽ không còn phải trả phí vận chuyển để trung chuyển khí đốt qua Ukraina, và cả Nga và Châu Âu ít phải phụ thuộc vào đường ống chạy qua Ukraina.
Đức đã coi Nord Stream 2 là một “dự án thương mại” cần thiết cho ngành công nghiệp Đức và muốn nó đi vào hoạt động. Một số nước Châu Âu đồng ý, số khác thì không, hoặc thực sự không muốn nói quá nhiều theo cách nào đó.
Đường ống gây tranh cãi
Trước khi có Nord Stream 2, đã có Nord Stream 1. Trước khi có Nord Stream 1, đã có những đường ống dẫn khí đốt của Liên Xô, sau này là Nga, đến Châu Âu. Trong số các đường ống này, có một đường ống chạy qua Ukraina, vào thời kỳ đỉnh cao, trung chuyển tới 80% lượng khí đốt Nga vào Châu Âu. Nhưng vào năm 2005, Đức và Nga đã ký một thỏa thuận xây dựng Nord Stream 1 - đường ống trị giá 6 tỉ USD qua Biển Baltic.
Năm 2015, một vài năm sau khi đường ống ban đầu khai trương, Đức đã ký một thỏa thuận xây Nord Stream 2 để mở rộng công suất dọc theo tuyến đường này. Nhưng nó đã bị chỉ trích dữ dội: Đường ống thuộc sở hữu hoàn toàn của Gazprom, công ty khí đốt nhà nước của Nga. Đường ống thứ hai này sẽ tiếp tục giúp Nga không phải trả phí trung chuyển khí đốt qua Ukraina.
Thủ tướng Angela Merkel khi đó đã bảo vệ Nord Stream 2 là một “dự án thương mại”, rất cần thiết cho lĩnh vực công nghiệp quan trọng của Đức. Như các chuyên gia đã nói vào thời điểm đó và vẫn nói cho đến ngày nay, chắc chắn, đó là một dự án thương mại, nhưng bất cứ điều gì liên quan đến một công ty khí đốt nhà nước của Nga vốn dĩ sẽ mang tính chính trị.
Tờ Vox dẫn lời ông Stefan Meister thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức cho biết, Đức cũng nhìn Nga qua một lăng kính hơi khác và có một di sản gắn bó với Nga. Berlin theo truyền thống đã cố gắng cân bằng các cam kết với các đồng minh phương Tây với mong muốn có quan hệ hữu ích với Mátxcơva, và thường coi các lợi ích kinh doanh và kinh tế là một điểm nhấn để hợp tác.
Ý tưởng rằng đây là một "dự án thương mại" không phải là vô nghĩa. Một số công ty Châu Âu có thể được lợi từ dự án - hoặc thua nếu dự án thất bại, đặc biệt là ở giai đoạn cuối này.
Tất cả những điều đó đã giúp Nord Stream 2 được xây dựng, bất chấp sự phản đối từ Mỹ và các đồng minh khác, những nước cho rằng nó sẽ khiến Đức và Châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên của Nga và do đó sẽ dễ bị tổn thương hơn trước Mátxcơva.
Phần còn lại của Châu Âu cũng bị chia rẽ tương tự với những lo ngại rất chính đáng về việc đường ống này là nguồn đòn bẩy của Nga cùng với thực tế rằng một số quốc gia sẽ được hưởng lợi về mặt tài chính từ Nord Stream 2, trong khi một số quốc gia thì không.
Nord Stream 2 trở thành điểm nhấn trong tương lai của Ukraina
Ukraina, quốc gia bị kẹt ở giữa và số phận của nước này có khả năng đan xen với số phận của Nord Stream 2. Ukraina cũng phản đối kịch liệt Nord Stream 2 vì nước này mất nhiều nhất nếu đường ống dẫn khí đi vào hoạt động.
Ukraina coi đây là một mối đe dọa lớn. Nga đã trả cho Ukraina xấp xỉ 2 tỉ USD phí trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ nước này.
Nhưng thực sự, điều quan trọng là Ukraina coi cơ sở hạ tầng đường ống là chính sách bảo hiểm của riêng mình với cả Nga và Châu Âu. Nga muốn bán khí đốt cho Châu Âu; Châu Âu cần mua khí đốt của Nga. Chừng nào Ukraina còn đóng vai trò trung chuyển khí đốt thì ít nhất Nga có thể cân nhắc tình hình Ukraina.
Mỹ và Đức công nhận điều này. Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đây đã nói rằng, khí đốt phải tiếp tục chảy qua Ukraina sau khi có Nord Stream 2, và Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz đã nhắc lại quan điểm đó vào tháng 12.
Trong một thỏa thuận hồi tháng 7 giữa Mỹ và Đức, hai bên thống nhất rằng, cần tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraina đến năm 2024, vì lợi ích của Ukraina và Châu Âu. Thỏa thuận này cũng hứa hẹn Đức sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt nếu Nga sử dụng “năng lượng làm vũ khí”.
Nord Stream 2 gây chia rẽ tại Mỹ
Mỹ đã cảnh báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhưng các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng coi Nord Stream 2 là một con bài thương lượng.
Một số chính trị gia và chuyên gia Mỹ cho rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn đường ống và ngăn chặn Nga là trừng phạt Nord Stream 2 ngay bây giờ. Đây là lý do tại sao thượng nghị sĩ Ted Cruz và các đảng viên Đảng Cộng hòa khác đã thúc đẩy khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream, song dự luật này không được Thượng viện Mỹ thông qua vì vấp phải sự phản đối của các thành viên Đảng Dân chủ.
Chính quyền ông Biden cho rằng, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt ngay bây giờ sẽ có nghĩa là Mỹ sẽ mất đi công cụ răn đe hiệu quả, không khác gì việc “bắn con tin”.