Đàm phán Nga-Ukraina kết thúc không đột phá
Đàm phán Ukraina và Nga diễn ra ở biên giới với Belarus vào 28.2 đã kết thúc mà không có đột phá. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán.
Cố vấn tổng thống Ukraina Mykhailo Podolyak cho biết, các phái đoàn đã trở về thủ đô của họ để tham vấn thêm trước vòng đàm phán thứ hai có thể diễn ra trong những ngày tới.
Khai mạc phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã dành một phút im lặng cho Ukraina khi mở phiên họp khẩn cấp đặc biệt để thảo luận chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina. Chủ tịch Đại hội đồng Abdulla Shahid đã kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức" với cuộc xung đột Nga - Ukraina.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hy vọng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraina sẽ giúp ngừng chiến ngay lập tức và mở ra một con đường dẫn đến một giải pháp ngoại giao. Ông nhấn mạnh, ý tưởng về một cuộc xung đột hạt nhân là "không thể hình dung nổi".
Tổng thống Ukraina ký văn bản yêu cầu gia nhập EU
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ký văn bản xin gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) của Ukraina hôm 28.2. Ông Zelensky yêu cầu EU cho phép Ukraina trở thành thành viên ngay lập tức theo một thủ tục đặc biệt khi nước này ứng phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết, các nhà lãnh đạo có thể thảo luận về khả năng trở thành thành viên của Ukraina tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức vào tháng 3.
Tổng thống của 8 quốc gia Trung và Đông Âu gồm Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia đã viết thư ngỏ kêu gọi các quốc gia thành viên EU ngay lập tức cấp cho Ukraina quy chế quốc gia ứng viên của EU và mở các cuộc đàm phán thành viên.
Các đồng minh phương Tây của Ukraina cũng tăng cường chuyển giao vũ khí để hỗ trợ nước này. Phần Lan đồng ý cấp 2.500 khẩu súng trường tấn công và 1.500 vũ khí chống tăng.
Các quan chức EU cho biết, khối đang chuẩn bị cấp cho những người Ukraina tị nạn quyền ở lại và làm việc trong khối 27 quốc gia trong tối đa 3 năm.
Tổng thống Nga - Pháp điện đàm
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28.2. Theo Điện Elysee, trong cuộc điện đàm, ông Macron kêu gọi ông Putin ngừng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.
Với cuộc đàm phán Nga-Ukraina diễn ra ở biên giới Belarus, ông Macron cũng yêu cầu ông Putin đảm bảo trong suốt thời gian đàm phán, tất cả các cuộc bắn phá, không kích cơ sở hạ tầng dân sự sẽ tạm dừng đồng thời đảm bảo tất cả những con đường chính, đặc biệt là con đường phía nam ra khỏi Kiev an toàn cho đi lại.
Tuyên bố của Điện Elysée nhấn mạnh, Tổng thống Putin khẳng định sẵn sàng cam kết với những nội dung trên cũng như hai nhà lãnh đạo Nga-Pháp nhất trí giữ liên lạc trong những ngày tới.
Pháo kích, giao tranh tiếp diễn
Bộ Nội vụ Ukraina cho biết, ngày 28.2, cuộc tấn công bằng tên lửa của lực lượng Nga nhắm vào thành phố Kharkiv của Ukraina. Tiếng nổ được nghe thấy ở thủ đô Kiev của Ukraina. Khoảng 150 km về phía đông bắc của Kiev, tại Chernihiv, một tên lửa được cho là đã bắn trúng một tòa nhà dân cư ở trung tâm thành phố, khiến đám cháy bùng phát.
Thống đốc vùng Kharkiv Oleg Sinegubov thông tin, ít nhất 11 dân thường và hàng chục người khác bị thương trong cuộc pháo kích của Nga vào thành phố đông dân thứ hai của Ukraina.
Theo công ty vệ tinh Maxar Technologies, hình ảnh vệ tinh chụp ngày 28.2 cho thấy, lực lượng trên thực địa của Nga tiếp tục tiến gần hơn đến thủ đô của Ukraina với một đoàn xe quân sự kéo dài hơn 27km. Đoàn xe ở rìa phía đông của sân bay Antonov gồm hàng trăm xe bọc thép, xe tăng, pháo kéo và các phương tiện hỗ trợ hậu cần và tiếp tục di chuyển về phía nam theo hướng Kiev.
Lực lượng hạt nhân Nga đặt trong tình trạng báo động cao
Bộ Quốc phòng Nga ngày 28.2 cho hay, lực lượng tên lửa hạt nhân và các hạm đội Phương Bắc và Thái Bình Dương của nước này đã được đặt trong tình trạng nhiệm vụ chiến đấu tăng cường theo lệnh một ngày trước đó của Tổng thống Vladimir Putin.
Ông Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng răn đe của Nga - bao gồm vũ khí hạt nhân - trong tình trạng báo động cao sau động thái của NATO và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây với Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraina Volodymr Zelensky kêu gọi binh sĩ Nga buông vũ khí và rời khỏi Ukraina. Theo nhà lãnh đạo Ukraina, hơn 4.500 binh sĩ Nga đã chết trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.
Nga cấm bay toàn diện với các hãng hàng không từ 36 quốc gia
Nga đã đóng cửa không phận với các hãng hàng không từ 36 quốc gia, bao gồm tất cả 27 thành viên của Liên minh Châu Âu, để đáp trả các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến Ukraina nhắm vào lĩnh vực hàng không của nước này.
Lệnh cấm bay dự kiến sẽ gây tổn hại cho các hãng hàng không bay qua quốc gia lớn nhất thế giới để đi từ Châu Âu đến Châu Á. Các hãng có khả năng buộc phải tìm các tuyến đường mới.
Mỹ chặn giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga
Bộ Tài chính Mỹ thông tin ngày 28.2, Mỹ đã chặn công dân nước này tham gia vào bất kỳ giao dịch nào liên quan đến Ngân hàng Trung ương của Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt với một quỹ đầu tư quốc gia quan trọng của Nga. Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm vào Quỹ tài sản quốc gia Nga và Bộ Tài chính Nga.
Cùng ngày, Mỹ đã đóng cửa đại sứ quán tại Minsk, Belarus và cho phép nhân viên không thiết yếu, người thân của các nhà ngoại giao rời khỏi đại sứ quán Mỹ ở Mátxcơva, Nga. Động thái này là do các vấn đề an ninh và an toàn, theo Ngoại trưởng Antony Blinken.
Đại sứ Mỹ tại Belarus Julie Fisher đã đăng tải hình ảnh cho thấy các nhân viên phái bộ hạ lá cờ Mỹ và cho biết, tất cả nhân viên Mỹ đã rời Belarus.
Hai tuần trước, Mỹ đã chuyển các hoạt động của đại sứ quán Ukraina từ thủ đô Kiev đến thành phố Lviv ở phía tây.
Mỹ cũng đề nghị người Mỹ ở Nga rời đi ngay lập tức. “Các công dân Mỹ nên cân nhắc rời Nga ngay lập tức thông qua các phương án thương mại vẫn sẵn có" - Bộ Ngoại giao Mỹ nêu trong khuyến nghị.