Toàn cảnh chủ đề nóng nhất tại hội nghị thượng đỉnh NATO 2022

Song Minh |

NATO bắt đầu hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại Madrid, Tây Ban Nha hôm 28.6, tập trung vào các vấn đề nóng như xung đột Nga-Ukraina, triển vọng kết nạp Phần Lan, Thụy Điển, chi tiêu quốc phòng…

Dưới đây là 5 chủ đề nóng nhất về hội nghị thượng đỉnh NATO mà các nhà phân tích an ninh cho rằng có thể ảnh hưởng đến các ưu tiên quốc phòng và an ninh của các quốc gia không chỉ ở phương Tây mà còn trên toàn thế giới.

Xung đột Nga-Ukraina

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái ở Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng mối quan hệ của liên minh với Nga đang ở "điểm thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc".

Những lời của ông đã trở thành hiện thực khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2, làm xấu đi mối quan hệ giữa NATO và Mátxcơva.

Harry Nedelcu - người đứng đầu chính sách của công ty tư vấn chính trị quốc tế Rasmussen Global - nói với tờ Al Jazeera rằng tại hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO có thể thống nhất tăng cường sự hiện diện ở sườn phía đông.

Hôm 27.6, Tổng Thư ký Stoltenberg cho báo giới biết, NATO đang có kế hoạch “tăng số lượng lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao lên hơn 300.000 người”, gấp hơn 7 lần so với mức hiện tại.

Elisabeth Braw - chuyên gia cao cấp về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ - nhận định, NATO đã thể hiện sự thống nhất kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina và phải tiếp tục. Nhưng việc thể hiện sự thống nhất đó không hề dễ dàng vì các quốc gia thành viên khác nhau của liên minh có vị trí địa lý rất khác nhau và nhận thức khác nhau về thế giới.

“Ngay bây giờ, nếu họ bắt đầu bất đồng về việc phải làm gì để giúp Ukraina, đó sẽ là một bước lùi lớn và là dấu hiệu của sự yếu kém mà các đối thủ của NATO sẽ khai thác” - Braw nói.

Kết nạp Phần Lan và Thụy Điển?

Một vấn đề quan trọng của hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay là xem xét việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Vào tháng 5, cả hai nước đã từ bỏ quy chế trung lập về quân sự hàng thập kỷ và tuyên bố rằng việc tham gia liên minh sẽ là một bước đi đúng hướng trong bối cảnh thực tế địa chính trị mới sau khi Nga tấn công Ukraina.

Nhưng quá trình gia nhập đã bị đình trệ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối, cáo buộc các nước láng giềng Bắc Âu cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh liệt vào danh sách "khủng bố".

Trong chuyến thăm gần đây tới Thụy Điển, ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng NATO đang nỗ lực để giải quyết các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ “càng sớm càng tốt”.

“Điều đó cực kỳ khó xảy ra vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối và do đó, nhiều khả năng Thụy Điển và Phần Lan sẽ không được mời tham gia liên minh vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh” - Braw nói với Al Jazeera.

Ukraina sẽ gia nhập NATO?

Điện Kremlin từ lâu đã chỉ trích sự bành trướng của NATO ở Đông Âu. Các yêu cầu an ninh của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với NATO bao gồm việc loại bỏ tư cách thành viên liên minh quân sự của Ukraina.

Phát biểu hồi tháng 3, Tổng thống Ukraina Volodomyr Zelensky cho biết ông hiểu rằng Ukraina không còn có thể trở thành thành viên của NATO. “Trong nhiều năm, chúng tôi đã nghe nói về cánh cửa dường như đang mở, nhưng cũng đã nghe nói rằng chúng tôi sẽ không vào đó, và đây là những sự thật và phải được thừa nhận” - ông Zelensky nói.

Ông Igor Zhovkva, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nói với tờ Financial Times hôm 25.6 rằng Ukraina chấp nhận từ bỏ việc gia nhập NATO và sẽ không thực hiện thêm bất kỳ bước nào để trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, Kiev muốn có tiếng nói trong các chính sách của NATO, và muốn NATO thừa nhận Ukraina là "nền tảng của an ninh Châu Âu”.

Theo chuyên gia Braw, trong tương lai gần và trong hoàn cảnh hiện tại, tham vọng gia nhập EU của Ukraina có nhiều khả năng hơn là tư cách thành viên NATO.

Tăng chi tiêu quốc phòng

Một trong những cuộc tranh luận lớn nhất giữa các đồng minh NATO là mỗi nước chi bao nhiêu cho quốc phòng.

Năm 2006, các thành viên của liên minh cam kết rằng mỗi quốc gia NATO sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng. Trong bối cảnh chiến sự Ukraina đang diễn ra, ngày càng có nhiều thành viên NATO đạt ngưỡng 2%, như Đức. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh chắc chắn sẽ nhấn mạnh vào việc tiếp tục xu hướng này.

Vấn đề Trung Quốc

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái, Tổng Thư ký Stoltenberg nhấn mạnh rằng “Trung Quốc đang tiến gần hơn đến liên minh” và nói điều quan trọng là NATO phải phát triển một quan điểm rõ ràng và thống nhất đối với Bắc Kinh.

“Sẽ có các cuộc thảo luận tại thượng đỉnh NATO năm nay về việc Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược. Điều này cũng sẽ đặt ra câu hỏi: NATO sẽ tìm kiếm vai trò gì khi nói đến an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và NATO sẽ tìm cách nào để có tiếng nói về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì khu vực này ngày càng… liên kết với Bắc Đại Tây Dương” - chuyên gia Harry Nedelcu nói với Al Jazeera.

Với việc các quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia thượng đỉnh NATO năm nay, ông Nedelcu cho biết, thế giới đang trở nên phân cực hơn.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Nga trên đà chiến thắng lớn nhất sau 4 tháng chiến sự ở Ukraina

Song Minh |

Nga đang giành những chiến tích lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraina 4 tháng trước đây.

NATO có kế hoạch biến Đông Âu thành “pháo đài” trước Nga

Ngọc Vân |

NATO có kế hoạch triển khai quân lớn nhất tới Đông Âu để ngăn chặn Nga.

NATO dự đoán cách xung đột Nga-Ukraina kết thúc

Ngọc Vân |

Mặc dù Mỹ và EU cung cấp vũ khí cho Ukraina, nhưng không có cuộc chiến tổng lực giữa NATO và Nga.

3 lý do khiến VN-Index giảm sốc đầu tuần, nhóm bất động sản sàn la liệt

Đức Mạnh |

Nhóm bất động sản hôm nay diễn biến kém khả quan, kéo VN-Index lùi sâu dưới tham chiếu. Toàn thị trường ghi nhận số mã giảm gấp hơn 3 lần số mã tăng, 75 cổ phiếu bám sàn.

Không khí lạnh gây mưa giảm nhiệt sâu từ đêm nay

AN AN |

Do tác động của không khí lạnh, từ đêm nay 13.2 Bắc Bộ, Thanh Hoá - Nghệ An trời chuyển rét kèm mưa rào và dông.

Vụ sai phạm tại Sở Y tế TP Cần Thơ: Bị hại xin giảm án cho các bị cáo

Anh Tú |

TPHCM - Ngày 13.2, tại phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ, đại diện Sở Y tế Cần Thơ (bị hại của vụ án) đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo nguyên là lãnh đạo và chuyên viên.

Đi khám bệnh, chỉ cần mang căn cước công dân

NHẬT HỒ - PHÚC DUY |

Cà Mau - Ngày 13.2, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau cho biết đã hoàn thiện dữ liệu, số hoá để quản lý quá trình tham gia, hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Người dân đi đến các cơ sở y tế chỉ cần trình căn cước công dân là có thể  khám chữa bệnh, không cần đem thẻ BHYT giấy như trước đây.

Sống sót kỳ diệu sau 1 tuần mắc kẹt vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Khánh Minh |

Lực lượng cứu hộ đã kéo một người phụ nữ còn sống ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà bị sập ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13.2, một tuần sau trận động đất tồi tệ xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria làm hơn 33.000 người thiệt mạng.

Nga trên đà chiến thắng lớn nhất sau 4 tháng chiến sự ở Ukraina

Song Minh |

Nga đang giành những chiến tích lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraina 4 tháng trước đây.

NATO có kế hoạch biến Đông Âu thành “pháo đài” trước Nga

Ngọc Vân |

NATO có kế hoạch triển khai quân lớn nhất tới Đông Âu để ngăn chặn Nga.

NATO dự đoán cách xung đột Nga-Ukraina kết thúc

Ngọc Vân |

Mặc dù Mỹ và EU cung cấp vũ khí cho Ukraina, nhưng không có cuộc chiến tổng lực giữa NATO và Nga.