Một báo cáo của các nhà khoa học Mỹ cho biết con người không phải là sinh vật duy nhất giãn cách xã hội để đối phó với dịch bệnh. Ong mật cũng giãn cách xã hội để chống lại “sự lây lan của bọ ve Varroa" - những sinh vật gây bệnh và có thể ăn nội tạng của ong, Sience Times đưa tin.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy những thay đổi như vậy ở cả ong hoang dã và ong được nuôi trong lồng khi chúng bị nhiễm bọ ve, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với ong mật trong thế giới động vật.
Để ngăn ngừa bệnh tật cho những con ong non và ấu trùng ở trung tâm của tổ ong, những con ong mật thường tránh xa khu vực này và được chải chuốt nhiều hơn nhằm loại bỏ ký sinh trùng.
Theo một nhà khoa học nông nghiệp tại Đại học Sassari ở Italia, Michelina Pusceddu, cũng là tác giả chính của nghiên cứu, đã giải thích sự thay đổi trong tổ chức xã hội của ong là một chiến thuật xảy ra để hạn chế sự lây truyền ký sinh trùng trong tổ.
Theo nghiên cứu, những con ong mật bị nhiễm bệnh trong lồng được các con khác chải chuốt nhiều hơn so với những con không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi, những con bị nhiễm bệnh tham gia vào các hoạt động xã hội hóa nhiều hơn, chẳng hạn như chia sẻ thức ăn bị nôn ra và chạm vào râu nhau. Các tác giả giải thích rằng điều này có thể phản ánh sự đánh đổi giữa việc hạn chế lây lan bệnh tật và giữ thông tin liên lạc.
Theo nhà côn trùng học Adam Dolezal từ Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, nghiên cứu này đưa ra bằng chứng về những thay đổi hành vi của các loài được gọi là động vật xã hội để giải quyết những thách thức đặc biệt khi sống trong một nhóm xã hội lớn, chẳng hạn như hiện tượng "giãn cách xã hội".
Bên cạnh ong mật, kiến vườn đen, chim, tôm hùm và các loài linh trưởng cũng có hành vi giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc duy trì khoảng cách giữa các cá thế sẽ đi kèm với những bất lợi với bất kỳ loài động vật xã hội nào.