Số người có việc làm ở độ tuổi 20 đã giảm 63.000 người so với cùng kì năm ngoái xuống còn 3,83 triệu người, đánh dấu mức sụt giảm 7 tháng liên tiếp kể từ tháng 11.2022, theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.
Khi được hỏi về việc tham gia vào hoạt động kinh tế trong tháng 5, 357.000 thanh niên thất nghiệp ở độ tuổi 20 cho biết đang tạm nghỉ. Họ không chủ động tìm việc làm hoặc chuẩn bị cho công việc, cho thấy mức tăng 36.000 so với năm trước.
Lý do được trích dẫn thường xuyên nhất cho việc gián đoạn tìm việc của những thanh niên này là “không có việc làm với mức lương và điều kiện làm việc mong muốn”.
Nhóm tuổi ngoài 20 là nhóm tuổi duy nhất có mức độ gia tăng đáng kể trong những người thất nghiệp và không tìm kiếm việc làm.
Trong số những người ở độ tuổi 20 không tham gia vào các hoạt động kinh tế, 997.000 người cho biết đã được nhận vào các cơ sở giáo dục chính quy, tiếp theo là 357.000 người chỉ đơn giản là nghỉ ngơi. Khoảng 331.000 thanh niên nói rằng, đang tìm việc làm và 113.000 người tham gia các lớp học tại các cơ sở tư nhân để tìm việc làm. Những số liệu này được công bố vào thời điểm Hàn Quốc vật lộn với tình trạng dân số ngày càng giảm.
Một phân tích của Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc nhận thấy số người ở độ tuổi 20 ở mức 6,16 triệu trong tháng 5.2023, giảm 196.000 so với 6,35 triệu được ghi nhận tháng 5.2022. Dân số ở độ tuổi 20 đã giảm hàng tháng kể từ tháng 7.2021.
Theo The Guardian, một phong trào rộng lớn hơn đang hình thành ở Hàn Quốc ở thế hệ thanh niên quyết tâm nổi dậy chống lại văn hóa làm việc cứng nhắc của đất nước.
“Thế hệ MZ” - cách gọi ở Hàn Quốc cho cả Gen Z và Millennials - là trung tâm của sự chuyển đổi thế hệ khỏi văn hóa làm việc quá sức này.
"Làm việc trong những ngày lễ và cuối tuần đã trở thành một thói quen của tôi. Tôi dần nhận ra cuộc sống và sức khỏe của mình sa sút do làm việc quá nhiều giờ. Tôi không có năng lượng và bỏ bê các mối quan hệ cá nhân" - Lee Sang-hyuk mô tả văn hóa làm thêm giờ tại một công ty dược phẩm lớn gần Seoul mà anh từng làm việc.
Lee bị đau lưng sau nhiều giờ ngồi ở bàn làm việc, anh cũng trở nên lo lắng và thờ ơ. "Trong vài lần gặp gỡ bạn bè, tôi thậm chí không thể tận hưởng cuộc gặp gỡ vì tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là công việc. Tôi nghĩ mình có vấn đề” - người đàn ông 35 tuổi nói. Bởi vậy, Lee quyết định nghỉ việc.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có thời gian làm việc dài nhất trong thế giới công nghiệp hóa. Đây thường được coi là một di sản của kì tích tăng trưởng kinh tế ở nước này. Trong lịch sử, mọi người gắn bó với một công ty duy nhất cho đến khi nghỉ hưu, vì điều này mang lại sự đảm bảo về công việc và thu nhập. Điều này cũng thường đi kèm với kì vọng làm việc nhiều giờ và cống hiến cho công ty.
Làm việc quá nhiều giờ có liên quan đến tăng nguy cơ tự tử ở Hàn Quốc. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người từ 10 đến 39 tuổi.
Theo Kim Ji-hyun - Trưởng ban Chính sách của Youth Community Union, nhóm hoạt động ủng hộ điều kiện làm việc tốt hơn cho thanh niên, “những người trẻ tuổi biết làm việc nhiều giờ có hại như thế nào. Họ đã nhận ra rằng, ngay cả khi họ làm việc chăm chỉ ở nơi làm việc hiện tại, không phải lúc nào lợi ích và lợi nhuận của công ty cũng đến được với người lao động".
Những người trẻ cũng ngày càng lo lắng về việc gắn bó với một công ty duy nhất trong một thời gian dài, đặc biệt là khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Cuộc khảo sát của cổng thông tin việc làm JobKorea tiết lộ, 55% nhân viên thuộc thế hệ MZ không có ý định theo đuổi các vị trí quản lý, trong khi 47% đang chuẩn bị chuyển sang công ty khác.