Theo Live Science, đối với con người, màu cam là màu được sử dụng cho các vật dụng cần gây chú ý như nón giao thông và áo bảo hộ. Bởi trong mắt chúng ta, màu cam nổi bật nhất trong hầu hết các bối cảnh nhưng trong thế giới động vật điều này lại khiến hổ tương đối dễ bị phát hiện.
Sự khác biệt giữa thị giác con người và con vật
Ở con người, tồn tại loại thị giác 3 ba sắc, khi ánh sáng từ bên ngoài đi vào trong mắt, nó sẽ gặp phải một lớp mỏng ở phía sau gọi là võng mạc. Võng mạc xử lý ánh sáng bằng cách sử dụng 2 loại thụ thể ánh sáng: tế bào hình que và tế bào hình nón. Tế bào que chỉ cảm nhận sự khác biệt về ánh sáng và bóng tối chứ không phải màu sắc và chúng được sử dụng chủ yếu khi ở trong ánh sáng mờ. Tế bào hình nón là thứ chúng ta sử dụng để nhận biết màu sắc, và hầu hết con người có 3 loại: tế bào hình nón cho màu xanh lam, xanh lục và đỏ. Do đó, chúng ta có thể nhìn thấy 3 màu cơ bản được gọi là màu tam sắc và sự kết hợp đầy màu sắc của chúng. Đặc điểm này cũng có ở loài vượn và một số loài khỉ.
Trong khi đó, hầu hết các loài động vật có vú trên cạn - bao gồm chó, mèo, ngựa và hươu - có thị giác màu lưỡng sắc. Điều đó có nghĩa là võng mạc của chúng chỉ chứa các tế bào hình nón cho 2 màu: xanh lam và xanh lục, khiến không thể phân biệt giữa các sắc thái màu đỏ và xanh lá cây.
Các loài động vật có vú trên cạn như hươu, nai là con mồi chính của hổ và tầm nhìn lưỡng sắc của chúng có nghĩa là chúng không nhìn thấy kẻ săn mồi có màu cam. Thay vào đó, chúng sẽ nhìn ra là màu xanh lục. Điều đó khiến con hổ khó bị phát hiện hơn nhiều vì nó thường rình mò hoặc ngồi thu mình trong bụi cỏ.
Tại sao hổ có bộ lông màu cam?
John Fennell, giảng viên về giác quan động vật và sinh trắc học tại Trường Thú y Bristol, Vương quốc Anh cho biết: “Về bản chất, việc tạo ra màu nâu và màu vàng cam từ cấu trúc phân tử sinh học của bề ngoài động vật dễ dàng hơn là tạo ra màu xanh lá cây".
Ông nói thêm, trên thực tế, động vật có vú màu xanh lá cây duy nhất có thể nhận biết được là một con lười và bộ lông của nó không thực sự có màu xanh lá cây. Đó là một loài tảo mọc trong bộ lông của chúng. Và thực ra, không có loài động vật nào có bộ lông màu xanh lá cây.
Nhà khoa học Fennell đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để xác định màu lý tưởng và các mẫu lý tưởng để ẩn mình trong các môi trường khác nhau. Vào năm 2018, nghiên cứu của ông đã được mô tả trên chương trình BBC One.
Chương trình đã yêu cầu người thuyết trình thực hiện một loại thí nghiệm đơn giản để minh họa mức độ hiệu quả của việc ngụy trang nếu bạn là người lưỡng sắc. Một người được cho đeo kính lưỡng sắc để tạo ra trạng thái giống như mù màu và nhìn vào một hình ảnh con hổ có màu tam sắc - tức một hình ảnh bình thường. Kết quả người này khó khăn hơn trong việc tìm ra con hổ trong bức ảnh khi đeo kính so với khi quan sát bằng mắt thường.
Nhưng xét rằng quá trình tiến hóa có xu hướng ủng hộ những đặc điểm giúp một loài tồn tại, tại sao động vật con mồi lại không tiến hóa khả năng nhìn thấy màu da cam?
Fennell nói: “Bạn sẽ tưởng tượng rằng trong một cuộc chạy đua tiến hóa, sự cải thiện trong nhận thức thị giác sẽ cung cấp cho con mồi hệ thống thị giác tốt hơn. Nhưng dường như không có áp lực tiến hóa nào, đặc biệt là đối với hươu, loài là con mồi chính của hổ, trở thành loài sở hữu thị giác 3 màu. Đó có thể là vì hổ cũng không biết nó có màu cam vì nó cũng là một loài thị giác lưỡng sắc.
Chỉ là con hổ đã vượt qua sự sàng lọc của quá trình tiến hóa để có màu lông như một hệ thống ngụy trang, bảo vệ nó rất tốt trong bối cảnh rừng rậm - nhà khoa học Fennell khẳng định.