Dự án phù hợp với nỗ lực đưa Saudi Arabia thành nơi thu hút kinh doanh và du lịch. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, ngay cả khi có sự hỗ trợ chính thức, con đường dẫn đến thành công của Saudi Arabia trong lĩnh vực này cũng rất phức tạp.
Trong tháng 3, Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã khai trương Riyadh Air, hãng hàng không mới nhằm biến thủ đô của vương quốc thành "cửa ngõ ra thế giới", theo truyền thông nhà nước.
Hai ngày sau, các quan chức Saudi Arabia cho biết, Riyadh Air và Saudia - hãng hàng không hiện tại của vương quốc có trụ sở tại Jeddah - sẽ mua 78 máy bay Boeing 787 Dreamliner.
Thỏa thuận mà Nhà Trắng định giá "gần 37 tỉ USD" với các tùy chọn cho tối đa 121 máy bay, tạo thành thỏa thuận lớn thứ 5 trong lịch sử của Boeing, tính theo giá trị thương mại.
Giám đốc điều hành Riyadh Air, ông Tony Douglas, chia sẻ với AFP rằng, hãng sẽ phục vụ các thị trường quốc tế, khu vực và nội địa - đưa hãng vào thế cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ nặng ký vùng Vịnh là Emirates và Qatar Airways.
Nhà phân tích hàng không độc lập Alex Macheras cho biết, điều đó đặt ra những câu hỏi về cách thức Riyadh Air sẽ giành thị phần, đặc biệt vào thời điểm các chuyến bay thẳng đường dài tránh hoàn toàn Trung Đông đang tăng lên.
“Việc sao chép và sau đó xây dựng dựa trên các mô hình kinh doanh thành công của các hãng hàng không láng giềng vùng Vịnh sẽ rất khó khăn trong thị trường đông đúc nơi hành khách có nhiều lựa chọn" - ông Macheras nhấn mạnh.
Saudia, hay Saudi Arabian Airlines, được thành lập năm 1945, nhận chiếc máy bay phản lực đầu tiên do Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt tặng.
Vào thời điểm đó, người nước ngoài thường nhập cảnh vương quốc qua Jeddah trên bờ Biển Đỏ. Jeddah vẫn là "Cổng vào Mecca", chào đón hàng triệu người Hồi giáo thực hiện các cuộc hành hương hajj và umrah mỗi năm.
Các đại sứ quán nước ngoài cũng không chuyển đến Riyadh ở miền trung Saudi Arabia cho đến những năm 1980.
Tuy nhiên, hiện nay, Riyadh là trung tâm trong chương trình cải cách "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Mohammed nhằm đưa nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Các quan chức coi Riyadh như một đối thủ của Dubai - trung tâm kinh doanh vùng Vịnh. Giới chức dự đoán, dân số 8 triệu người hiện tại ở Riyadh sẽ tăng lên 15-20 triệu vào năm 2030.
Tháng 11 năm ngoái, các quan chức công bố kế hoạch xây dựng sân bay mới ở Riyadh. Sân bay dự kiến đón 120 triệu khách du lịch mỗi năm vào năm 2030, tăng từ mức khoảng 35 triệu hiện nay.
Bộ trưởng Tài chính Saudia Mohammed al-Jadaan cho hay, những tăng trưởng dự kiến khiến mô hình hiện tại của Saudia - với 2 trung tâm là Jeddah và Riyadh - không đủ để đáp ứng.
"Riêng Jeddah cần một hãng hàng không để tập trung vào hajj và umrah... Do đó, cần một hãng hàng không tập trung vào Riyadh" - ông Jadaan nói.
Chuyên gia Robert Mogielnicki thuộc Viện Các quốc gia vùng Vịnh Arab ở Washington, Mỹ, cho biết, hãng hàng không và sân bay mới phản ánh tâm lý "nếu xây dựng sân bay, khách sẽ đến".
Vị trí thuận tiện của các sân bay ở Trung Đông - thuận lợi cho các chuyến bay đến châu Âu, châu Á và châu Phi - giúp thúc đẩy sự phát triển của các sân bay với tư cách trung tâm trung chuyển.
Nhóm thương mại Hội đồng Sân bay Quốc tế dự đoán, các sân bay của khu vực sẽ đón 1,1 tỉ hành khách vào năm 2040, tăng từ mức 405 triệu của năm 2019.
Ngoài Riyadh Air, Saudi Arabia cũng sẽ khai trương NEOM Airlines, có trụ sở tại siêu đô thị tương lai cùng tên trị giá 500 tỉ USD.
Theo AFP, dường như lợi thế lớn nhất của Riyadh Air là chủ sở hữu - quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia. Ông Macheras cho biết, quỹ sẽ “hỗ trợ cho những gì chắc chắn là giai đoạn đầu tiên cực kỳ nặng về vốn” trước khi các chuyến bay khai trương vào đầu năm 2025.