Sau xung đột Nga - Ukraina bắt đầu tháng 2 năm ngoái, các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có với Mátxcơva khiến tài sản nhà nước, dự trữ ngoại hối và tài sản của giới tỉ phú Nga trị giá 350 tỉ USD bị các quan chức và ngân hàng phương Tây đóng băng.
Gần 12 tháng trôi qua, các chính trị gia và nhà vận động ở phương Tây đang thúc đẩy việc đưa số tài sản này vào xây dựng lại cơ sở hạ tầng đổ nát, nhà cửa và doanh nghiệp bị phá hủy trong xung đột Ukraina.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng trước rằng: "Quá nhiều thiệt hại đã xảy ra và quốc gia gây ra thiệt hại đó phải trả giá".
Tháng 12.2022, Canada bắt đầu các thủ tục chuyển giao khoảng 26 triệu USD của một công ty bị trừng phạt thuộc sở hữu của tỉ phú Nga Roman Abramovich.
Đầu tháng 2.2023, Ủy ban châu Âu cam kết "đẩy mạnh công việc hướng tới sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraina". Ba Lan và 3 quốc gia vùng Baltic hối thúc công khai hành động "càng sớm càng tốt".
Trong khi đó, Estonia đã công bố kế hoạch trở thành nước dẫn đầu hành động trong EU, phác thảo kế hoạch của riêng nước này về tịch thu tài sản Nga.
Cựu nhà đầu tư và nhà hoạt động Mỹ Bill Browder - người đứng sau Luật Magnitsky được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2012 - đang tìm cách gây sức ép với Quốc hội Mỹ về vấn đề tịch thu tài sản Nga.
Quốc hội Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần về cách thức sửa đổi luật pháp Mỹ để cho phép tịch thu vĩnh viễn dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công khai tỏ ra thận trọng về ý tưởng này.
Các chuyên gia pháp lý phân biệt rõ giữa tài sản tư nhân bị chính phủ phương Tây đóng băng - như du thuyền của một tỉ phú - và tài sản nhà nước như dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương Nga.
Trong trường hợp tài sản tư nhân, các biện pháp bảo vệ pháp lý khiến các quốc gia phương Tây chỉ được phép tịch thu tài sản vĩnh viễn trong những trường hợp rất hạn chế, thường là khi có thể chứng minh đó là tài sản do phạm tội mà có. "Chúng tôi không thực sự xác định được các tài sản bị phong tỏa là tài sản phạm tội" - chuyên gia luật quốc tế Anton Moiseienko từ Đại học Quốc gia Australia nói với AFP.
Ngoài vấn đề kể trên, còn có các vấn đề khác phát sinh do những hiệp ước đầu tư song phương hoặc quốc tế đã ký với Nga, có khả năng khiến các quốc gia phải đối mặt với các khiếu kiện pháp lý tại tòa trọng tài quốc tế trong tương lai.
Cho đến nay, Canada là quốc gia duy nhất có cách tiếp cận mạnh mẽ trong vấn đề tịch thu tài sản của Nga, chuyên gia Moiseienko chỉ ra.
Những tài sản của nhà nước như dự trữ của ngân hàng trung ương đặt ra những vấn đề khác nhau nhưng không kém phần phức tạp. Điều này là do tài sản nhà nước được bảo vệ theo "quyền miễn trừ chủ quyền", được hiểu là một quốc gia sẽ không tịch thu tài sản của quốc gia khác.
Các ngân hàng trung ương phương Tây như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Ngân hàng Nhật Bản được cho là đã phong tỏa khoản dự trữ trị giá khoảng 300 tỉ USD của Nga.
Chuyên gia Paul B. Stephen từng viết trên tạp chí Capital Markets Law Journal vào tháng 6 năm ngoái rằng: “Luật quốc tế thông thường về quyền miễn trừ của nhà nước thường bảo vệ tài sản của nhà nước khỏi bị tịch thu. Có những trường hợp ngoại lệ, nhưng phạm vi của chúng không rõ ràng".
Theo AFP, đã có tranh luận sôi nổi trong cộng đồng học giả về cách phương Tây có thể tịch thu tài sản Nga và trao cho Ukraina. Tuy nhiên, các luật sư tin rằng, cơ hội tốt nhất để Ukraina được bồi thường là nỗ lực đạt được một thỏa thuận thuận lợi để chấm dứt giao tranh, trong đó sẽ bao gồm việc bồi thường - điều mà Ukraina có quyền được hưởng theo luật pháp quốc tế.