Con gái của Yoo chịu đau với mong ước được cao hơn, lí tưởng nhất là 1,65 m - chiều cao trung bình của các sao nữ K-pop. Năm nay 13 tuổi, con gái của Yoo đã được chẩn đoán dậy thì sớm từ khi mới 9 tuổi. Nếu không được điều trị, những người mắc bệnh này thường ngừng phát triển sớm hơn bình thường.
Bà nội trợ 49 tuổi đã nghe theo lời khuyên của bác sĩ nhi khoa về việc tiêm hormone để trì hoãn tuổi dậy thì và giúp con cao lớn hơn.
“Kết quả không được đảm bảo và chi phí cao, nhưng tác dụng phụ rất ít và con gái tôi sẵn sàng trải qua dù có thể khá đau đớn. Con tôi muốn phát triển cao hơn, giống như các ngôi sao K-pop” - bà chia sẻ với Straits Times.
Ở đất nước coi ngoại hình là tất cả, các bậc cha mẹ Hàn Quốc luôn cố gắng hết sức để giúp con cái, đặc biệt là các bé trai, cao thêm vài centimet để tăng sự tự tin và sức hấp dẫn về thể chất. Để đạt mục tiêu này, nhiều người chi rất nhiều tiền cho vitamin, thảo dược, châm cứu, tiêm và thậm chí là phẫu thuật.
Chiều cao trung bình của nam giới Hàn Quốc là 172,5 cm và nữ giới là 159,6 cm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chiều cao của người nổi tiếng mới là lí tưởng - 1,8 m đối với nam thần tượng và 1,65 m đối với sao nữ.
Tiến sĩ Lee Chang-heon - Chủ tịch Korean Medical Academy of Auxology - cho biết, mọi người bị ảnh hưởng bởi hình ảnh của những người nổi tiếng cao và tiêu chuẩn cái đẹp của phương Tây.
“Chiều cao là một yếu tố thành công quan trọng trong xã hội Hàn Quốc có tính cạnh tranh cao. Mọi người nghĩ rằng chiều cao có lợi thế ở trong trường học, nơi làm việc và các mối quan hệ giữa con người với nhau và đảm bảo mức lương cao" - ông nói.
Theo nghiên cứu của mạng lưới các nhà khoa học y tế toàn cầu Non-Communicable Diseases Risk Factor Collaboration, nam giới Hàn Quốc cao hơn 15,2 cm trong giai đoạn 1914-2014. Phụ nữ Hàn Quốc cao hơn 20,2 cm, mức tăng cao nhất thế giới khi trung bình toàn cầu chỉ là 7,62 cm.
Tiến sĩ Lee cho rằng “sự thay đổi đáng chú ý” là do chế độ dinh dưỡng tốt hơn và môi trường sống được cải thiện. Dù thảo dược và các phương pháp điều trị tăng trưởng đã giúp trẻ cao lớn hơn, nhưng ông cảnh báo “tất cả các phương pháp điều trị đều có thể có tác dụng phụ, vì vậy trước tiên cần tham khảo ý kiến của chuyên gia về tăng chiều cao”.
Nhu cầu điều trị bằng hormone tăng chiều cao, thường được kê đơn cho chứng thấp lùn và còi cọc, đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây khi các bậc cha mẹ mong muốn mang lại cho con cái thêm một lợi thế.
Dữ liệu từ Health Insurance Review and Assessment Service nhận thấy những người đến bệnh viện hoặc phòng khám do lo ngại về chiều cao đã tăng từ 29.061 vào năm 2016 lên 43.618 vào năm 2021.
Theo IQVIA - công ty nghiên cứu thị trường trong ngành khoa học đời sống - thị trường điều trị bằng hormone tăng trưởng của Hàn Quốc đã nhanh chóng tăng từ 126,2 tỉ won (97 triệu USD) vào năm 2018 lên 237,2 tỉ won (184 triệu USD) vào năm 2022.
LG Chemical - công ty hóa chất lớn nhất Hàn Quốc - cho biết, doanh số bán sản phẩm hormone tăng trưởng Eutropin đã tăng từ 80 tỉ won (62 triệu USD) năm 2020 lên 120 tỉ won (93 triệu USD) năm 2022.
Growtropin của Dong-A ST đạt doanh thu 61,5 tỉ won (48 triệu USD) vào năm ngoái, gần gấp đôi so với mức 32,4 tỉ won (25 triệu USD) 2 năm trước.
Chỉ riêng Eutropin đã chiếm 46% thị phần vào năm ngoái, trong khi Growtropin chiếm 19,8%.
Ngoài ra còn có các sản phẩm nhập khẩu như Genotropin của Pfizer và Saizen của Merck & Co.