Tết Thanh minh, còn được gọi là lễ tảo mộ diễn ra vào ngày thứ 15 sau xuân phân theo lịch âm của Trung Quốc. Theo SCMP, tại một số nước châu Á, Tết Thanh minh được coi là ngày nghỉ lễ bởi tính trang trọng và ý nghĩa của nó.
Tên của Tết Thanh minh bắt nguồn từ câu nói: “Thực vật bắt đầu sinh sôi và phát triển vào ngày tươi mới”. Do đó, Tết Thanh minh theo nghĩa đen nghĩa là “sạch sẽ” và “tươi sáng”, đánh dấu sự khởi đầu của mùa xuân trong công việc đồng áng.
Tuy nhiên, những phong tục trong Tết Thanh minh ngày nay lại bắt nguồn từ Tết Hàn thực hay Hanshi Jie.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên ở nước Tấn (Trung Quốc), một công tước tên Wen đã bị lưu đày và hành hạ đến mức sắp chết vì đói. Trong hoàn cảnh ấy, Jie Zitui - một trong những thuộc hạ của công tước đã cắt miếng thịt từ đùi của mình để làm canh cho Wen.
Tuy nhiên, câu chuyện về sự nhân nghĩa của Jie không có một cái kết đẹp. Khi trở thành hoàng đế, Wen đã quên mất người thuộc hạ năm xưa. Jie không được hưởng bổng lộc mà chịu cảnh nghèo khó, sống cùng mẹ trong ngọn núi hẻo lánh.

Một thời gian sau, khi biết tung tích của thuộc hạ từng cứu mạng, hoàng đế Wen đã cho binh lính đốt rừng với hy vọng buộc Jie rời khỏi nơi ẩn náu. Ngọn lửa hoành hành trong 3 ngày, 3 đêm và cuối cùng hoàng đế đã thấy xác chết của Jie và mẹ anh ta, họ vẫn đang bám vào một cây liễu đã cháy thành than.
Vì hối hận, Wen ra lệnh không được phép đốt lửa vào ngày giỗ của Jie, buộc mọi người chỉ được ăn đồ nguội; điều này đánh dấu sự khởi đầu của Tết Hàn thực.
Một năm sau cái chết của ân nhân, hoàng đế đã đến mộ Jie để bày tỏ lòng kính trọng và sự tiếc nuối. Khi đến nơi Jie bị lửa thiêu chết, hoàng đế nhìn thấy cây liễu từng cháy rụi đã sống lại. Sau khi quét dọn lăng mộ, Wen đặt tên cho cây là “Liễu thanh minh” và lấy ngày giỗ của Jie là Tết Thanh minh.
Vì Tết Hàn thực thường bắt đầu vào một hoặc hai ngày trước Tết Thanh minh, nên các phong tục liên quan đến nó cuối cùng đã trở thành một phần của Tết Thanh minh như ngày nay.
Mỗi người có một cách khác nhau để bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên và người thân đã khuất vào ngày Tết Thanh minh. Tuy nhiên thông thường, những người tảo mộ thường đốt hương và vàng mã, những thứ được coi là có giá trị ở thế giới bên kia. Một số người lại chọn dâng hoa và trái cây để tưởng nhớ người đã khuất.
Ở Trung Quốc, tổ tiên của hầu hết cư dân thành thị được chôn cất ở các vùng nông thôn lân cận. Chính vì vậy, ngày Tết Thanh minh chứng kiến sự tắc nghẽn giao thông kéo dài với những phương tiện di chuyển về quê hương.
Trong những năm gần đây, hình thức quét mộ ảo đã trở nên phổ biến. Theo đó, trên một số ngôi mộ sẽ có mã QR, cho phép mọi người bày tỏ lòng thành kính trực tuyến bằng cách gửi lời nhắn cho người đã khuất hoặc dâng hoa, quả, hương ảo như một lời tri ân.

Bên cạnh đó, Tết Thanh minh đánh dấu sự khởi đầu của mùa xuân nên nhiều người sẽ dành thời gian ở ngoài trời để tận hưởng thiên nhiên vào những ngày ấm áp đầu tiên của năm.
Một hoạt động phổ biến trong những chuyến đi chơi mùa xuân là thả diều. Vào thời cổ đại, người ta thường buộc những mảnh giấy liệt kê bệnh tật và vấn đề của họ vào một con diều. Sau đó, họ sẽ cắt dây khi con diều đã bay cao và để nó bay vút đi, tin rằng điều này sẽ giúp xua đuổi vận rủi và tà ma.