Gazprom ổn định doanh thu
Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga đã duy trì doanh thu ổn định từ việc bán khí đốt vì giá tăng cao bù đắp cho việc giảm công suất sang Châu Âu.
Điện Kremlin trong tuần này cho biết, sẽ đóng cửa đường ống dẫn khí Nord Stream 1 chừng nào phương Tây còn duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. Điều này có nghĩa là Gazprom hiện chỉ cung cấp khoảng 84 triệu m3 khí đốt mỗi ngày cho Châu Âu qua các đường ống ở Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ, từ mức trung bình là 480 triệu m3/ngày vào năm ngoái - tờ Financial Times cho hay.
Nhưng việc giảm nguồn cung đã đẩy giá khí đốt trung bình năm nay tăng gấp ba lần so với năm 2021, giúp Gazprom tăng tổng doanh thu 85% lên 100 tỉ USD, theo Ron Smith - nhà phân tích dầu khí tại BCS Global Markets.
Năm ngoái, Gazprom xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ với giá trung bình là 310 USD/m3, dẫn đến tổng doanh thu xuất khẩu là 54 tỉ USD. Hiện Smith ước tính trong cả năm 2022, công ty sẽ cung cấp ít hơn 43% khối lượng nhưng với mức giá trung bình là 1.000 USD/m3.
“Việc giảm sản lượng tương đối nhỏ có thể khiến giá khí đốt tăng mạnh, giúp doanh thu tăng lên đối với nhà sản xuất bị giảm nguồn cung. Nói cách khác, chắc chắn Gazprom sẽ kiếm được nhiều tiền hơn mặc dù cung cấp ít khí đốt hơn” - Ron Smith nói.
Sergey Vakulenko - nhà phân tích năng lượng độc lập của Nga - ước tính, với mức giá và khối lượng giao hàng hiện tại, Gazprom đang kiếm được khoảng 250 triệu USD mỗi ngày - số tiền mà công ty sẽ mất nếu ngừng cung cấp khí đốt cho Châu Âu. Con số này thấp hơn so với mức trung bình 290 triệu USD mỗi ngày vào năm 2019 - năm cuối cùng trước đại dịch.
Trong nửa đầu năm 2022, nhà cung cấp khí đốt của Nga đã ghi nhận lợi nhuận ròng 41,75 tỉ USD, so với 29 tỉ USD lợi nhuận của cả năm ngoái - theo một tuyên bố của Gazprom vào tuần trước.
Năm 2019, trước khi nguồn cung sụt giảm do liên quan đến đại dịch COVID-19 năm 2020 và dòng chảy sang Châu Âu tiếp tục bị siết chặt vào năm sau, Gazprom báo cáo lợi nhuận là 16,3 tỉ USD.
Nga đang cố gắng chuyển hướng sang các thị trường khác khi EU tăng tốc nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc đã tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Hôm 6.9, Gazprom thông báo Bắc Kinh sẽ chuyển sang thanh toán khí đốt bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp thay vì đồng USD.
Nhưng hầu hết cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí đốt của Nga đều hướng đến Châu Âu và Nga không thể dễ dàng chuyển hướng bán hàng này sang bất kỳ nơi nào khác ngoài thị trường nội địa của mình, theo Greg Molnár - nhà phân tích tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Châu Âu “đau đầu” vì khí đốt
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã yêu cầu các quốc gia thành viên EU thực hiện các chính sách phân bổ năng lượng "bắt buộc", kêu gọi EU “làm phẳng đường cong" nhu cầu khí đốt.
“Những gì chúng ta phải thực hiện là làm phẳng đường cong để tránh những nhu cầu cao điểm. Chúng tôi sẽ đề xuất một mục tiêu bắt buộc để giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm. Chúng tôi sẽ làm việc rất chặt chẽ với các quốc gia thành viên để đạt được điều này” - RT dẫn lời bà von der Leyen tuyên bố; đồng thời kêu gọi chốt lại các biện pháp hợp lý trước khi nhu cầu bắt đầu tăng cao trong mùa đông.
Ngoài việc phân bổ nguồn cung hiện có, bà von der Leyen kêu gọi giới hạn lợi nhuận cho các công ty năng lượng đang thu lời kỷ lục do giá thị trường, và tái đầu tư những khoản tiền đó vào năng lượng tái tạo, mà bà gọi là “bảo hiểm năng lượng cho tương lai”.
Bà cũng cam kết áp đặt giá trần với khí đốt Nga, ngay cả khi tuyên bố EU đã thay thế phần lớn nguồn cung của Nga bằng năng lượng từ các nguồn khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp lại bài phát biểu của bà với lời đe dọa cắt đứt toàn bộ dòng năng lượng còn lại cho khối. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm. Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì”.
Ngoài cáo buộc Nga “thao túng thị trường khí đốt”, bà von der Leyen còn đổ lỗi cho tác động của biến đổi khí hậu gây ra giá điện và khí đốt cao kỷ lục, nhấn mạnh rằng không chỉ Châu Âu đang phải chịu đựng - mà “tình trạng khan hiếm năng lượng toàn cầu” đang diễn ra.
Bà von der Leyen không phải là nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên đề xuất phân phối năng lượng như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nguồn cung. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chính phủ Italia và Đức cũng đã kêu gọi tương tự.