Các khoản thanh toán bằng đồng USD của Nga trên hai trái phiếu quốc tế đã đến tay các chủ nợ nước ngoài - Bloomberg đưa tin.
Các lệnh trừng phạt Nga nhằm vào dự trữ ngoại hối làm dấy lên lo ngại về một vụ vỡ nợ. Tuy nhiên, Nga đã giải quyết khoản thanh toán 564,8 triệu USD của một trái phiếu năm 2022 và khoản thanh toán 84,4 triệu USD cho trái phiếu năm 2042 vào ngày 29.4. Bộ Tài chính Nga cho biết Mátxcơva đã chuyển USD cho đại lý thanh toán, chi nhánh của Citibank N.A tại London, Anh.
Bloomberg trích dẫn các nguồn tin cho hay các tổ chức thanh toán bù trừ quốc tế lớn đã nhận và xử lý các khoản thanh toán. Ngoài ra, ba nhà đầu tư đã xác nhận với Bloomberg hôm 3.5 rằng các ngân hàng giám sát của họ đã nhận được tiền.
Đầu tháng 4, Nga đã cố gắng trả cho các chủ sở hữu trái phiếu ở nước ngoài bằng đồng rúp sau khi các quốc gia phương Tây đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, trị giá hơn 300 tỉ USD, như một phần của lệnh trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Bước đi được thực hiện sau khi Bộ Tài chính Mỹ ngăn Nga thanh toán cho các chủ nợ hơn 600 triệu USD từ nguồn dự trữ trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ, nói rằng Mátxcơva phải lựa chọn giữa việc rút cạn dự trữ bằng USD và vỡ nợ.
Nga sẽ bị coi là vỡ nợ nếu nước này không thanh toán trái phiếu trong thời gian ân hạn 30 ngày kết thúc vào 4.5. Mátxcơva đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc phương Tây chặn các khoản thanh toán nên được coi là họ bị vỡ nợ đối với các nghĩa vụ tài chính với Nga.
Theo Reuters, một quan chức cấp cao của Mỹ hôm 2.5 xác nhận Nga đã thực hiện thanh toán mà không sử dụng các khoản dự trữ ngoại hối bị đóng băng ở Mỹ, đồng thời nói thêm rằng nguồn gốc chính xác của các khoản tiền là không rõ ràng.
40 tỉ USD trái phiếu quốc tế của Nga trở thành tâm điểm của cuộc tranh chấp tài chính giữa các thủ đô phương Tây, vốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga và Mátxcơva cũng đã đưa ra các biện pháp đáp trả.
Điều này khiến việc thanh toán trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty trở nên phức tạp, với một số công ty và đơn vị thuộc sở hữu nhà nước, chẳng hạn như Đường sắt Nga, không thực hiện kịp thời.
Các khoản thanh toán mới nhất được thực hiện sau nỗ lực hồi đầu tháng 4 của Nga để chuyển tiền cho các chủ sở hữu quốc tế từ nguồn dự trữ cố định của mình, nhưng bị giới chức Mỹ ngăn chặn.
Mátxcơva sau đó đã chuyển số tiền đến hạn bằng đồng rúp vào các tài khoản trong nước, cho biết họ coi như đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài không thể tiếp cận nguồn tiền này do các biện pháp kiểm soát vốn của Nga.
Các khoản thanh toán của Nga đến hạn vào ngày 4.5 bao gồm một trái phiếu đáo hạn vào ngày hôm đó, cũng như các khoản thanh toán lãi suất cho một khoản đến hạn vào năm 2042.
Sắp tới, ngày 27.5, Nga sẽ đến hạn thanh toán trái phiếu bằng USD phát hành vào năm 2016 và một trái phiếu bằng đồng euro phát hành vào năm 2021.
Trong khi đó ngày 25.5 là thời điểm hết hạn giấy phép tạm thời do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ (OFAC) cấp, cho phép các giao dịch liên quan đến các khoản thanh toán nợ có chủ quyền của Nga.
Theo chiến lược gia Simon Waever tại Morgan Stanley, số tiền Nga phải trả không đáng kể so với dòng tiền ngoại hối đổ vào Nga, phần lớn là do hoạt động xuất khẩu dầu khí vẫn đang diễn ra.
Waever ước tính rằng 1,5 tỉ USD sẽ đến hạn thanh toán cho các trái phiếu đồng euro vào cuối năm và cho biết quyết định của Nga thanh toán cho các chủ nợ bằng USD ngụ ý rằng Mátxcơva muốn tránh vỡ nợ.
Bộ Tài chính Mỹ chưa bình luận về việc liệu thời hạn 25.5 có được gia hạn hay không.
Morgan Stanley cho biết, trái phiếu năm 2022 đã tăng khoảng 50 điểm vào ngày 29.4 sau thông báo của Mátxcơva, trong khi các trái phiếu quốc tế khác của Nga đã tăng từ 6-11 điểm.