Dubai bắt đầu năm mới 2023 với việc tạm dừng đánh thuế 30% với mặt hàng rượu, động thái có thể giúp tiểu vương quốc vùng Vịnh thu hút nhiều khách du lịch và doanh nghiệp hơn trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng tăng.
Rượu giá rẻ được kỳ vọng giúp tiểu vương quốc này duy trì lợi thế so với các nước láng giềng với tư cách là trung tâm giải trí và kinh doanh của Trung Đông.
Các nhà phân phối đồ uống địa phương cho biết, Dubai đã bỏ đánh thuế rượu cũng như phí cấp giấy phép mà các cá nhân cần để mua rượu từ 1.1.2023.
New York Times nhận định, cung cấp rượu rẻ hơn đáng kể có khả năng củng cố vị thế của Dubai với tư cách là trung tâm du lịch và kinh doanh của Trung Đông vào thời điểm mà các chuyên gia đang cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm giảm chi tiêu cho du lịch và giải trí.
Hơn 90% dân số Dubai là cư dân nước ngoài và rượu đã phổ biến rộng rãi ở tiểu vương quốc này trong nhiều năm. Trong khu vực, ở Saudi Arabia và Kuwait rượu vẫn bị cấm trong khi tại Qatar việc mua bán rượu bị hạn chế hơn. Tuy nhiên, thuế nặng đã đẩy giá rượu lên cao ở Dubai.
Những thay đổi này có thể sẽ thúc đẩy ngành khách sạn địa phương, Maritime and Mercantile International, một trong những nhà phân phối chính ở Dubai nhận định.
Financial Times cho hay, việc đình chỉ thuế rượu ở Dubai sẽ kéo dài trong thời gian thử nghiệm một năm.
“Chính quyền Dubai đã ghi công rất lớn khi đưa ra quyết định táo bạo như vậy. Thông báo này sẽ mang tính thay đổi đặc biệt với khách du lịch và người dân" - Jason Dixon, giám đốc điều hành của nhà phân phối African + Eastern, chia sẻ.
Quyết định này là biện pháp mới nhất trong loạt biện pháp nhằm củng cố vị thế của Dubai với tư cách là trung tâm du lịch và đầu tư ở Trung Đông.
Dù vẫn là điểm đến phổ biến nhất trong khu vực với khách du lịch và người lao động nước ngoài nhưng Dubai đang đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng từ Qatar và Saudi Arabia.
Dubai đã nới lỏng các quy định về rượu trong nhiều năm. Trên danh nghĩa, chính phủ yêu cầu những cá nhân muốn mua rượu phải có giấy phép. Giấy phép này chỉ dành cho những người không theo đạo Hồi trên 21 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, các quán bar, câu lạc bộ và nhà hàng hầu như không bao giờ yêu cầu xem giấy phép.
Trong vài năm qua, UAE cũng nới lỏng quy tắc nhập cư, phi hình sự hóa việc chung sống với các cặp đôi chưa kết hôn và thay đổi sang một tuần làm việc theo định hướng kinh doanh toàn cầu từ thứ Hai đến thứ Sáu, khác với các nước láng giềng duy trì ngày cuối tuần là thứ Sáu và thứ Bảy để phù hợp với việc cầu nguyện thứ Sáu của đạo Hồi.
Những thay đổi chính sách đó nhằm làm cho đất nước trở thành nơi hấp dẫn hơn cho người nước ngoài đến làm việc và sinh sống.
Theo Washington Post, cạnh tranh để thu hút khách du lịch và các chuyên gia nước ngoài đang ngày càng gay gắt hơn ở vùng Vịnh khi các quốc gia như Saudi Arabia và Qatar đang tìm cách thoát khỏi phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ.
Saudi Arabia đã biến du lịch thành trụ cột trong kế hoạch Tầm nhìn 2030, bao gồm các dự án đầy tham vọng. Thái tử Mohammed bin Salman đang cải tổ nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của vương quốc và nhanh chóng nới lỏng các quy định trong nỗ lực biến Riyadh thành một điểm đến toàn cầu.
Năm ngoái, Thái tử Mohammed cho biết muốn tăng tỉ lệ cư dân nước ngoài từ mức 1/3 hiện nay lên 70% dân số của vương quốc.
Chính phủ Saudi Arabia đã kiềm chế cảnh sát tôn giáo, nới lỏng quy định về trang phục bảo thủ, tài trợ cho các buổi hòa nhạc đồng thời cấp thị thực du lịch đầu tiên năm 2019.
Các quan chức cũng triển khai nhiều biện pháp khuyến khích, thuyết phục các công ty đa quốc gia đặt trụ sở khu vực của họ ở Riyadh thay vì Dubai.
Qatar, quốc gia nhỏ bé, giàu năng lượng đã thu hút sự chú ý lớn vào năm 2022 khi tổ chức World Cup trong nỗ lực để chứng tỏ là điểm đến khả thi với du khách quốc tế.
Tuy nhiên, Qatar gây bất ngờ khi cấm bán bia rượu quanh các sân vận động diễn ra World Cup chỉ 2 ngày trước khi sự kiện khai mạc. Rượu có sẵn trong các khách sạn và nhiều nhà hàng ở Qatar, nhưng ít hơn nhiều so với ở Dubai.