Lý do Mỹ cung cấp vũ khí mới uy lực hơn cho Ukraina

Khánh Minh |

Mỹ đang cung cấp cho Ukraina các loại vũ khí mới uy lực hơn, lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

Mỹ công bố gói vũ khí trị giá 800 triệu USD cho Ukraina

Danh sách vũ khí trị giá 800 triệu USD không chỉ được cung cấp theo đề nghị trực tiếp của Ukraina, mà còn để chuẩn bị cho kiểu chiến đấu mới trên vùng đồng bằng rộng mở phía đông nam Ukraina ngay bên cạnh Nga, địa hình mà quân đội Nga có lợi thế, theo CNN.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố gói viện trợ vũ khí mới bao gồm 11 máy bay trực thăng Mi-17, 18 lựu pháo 155 mm Howitzer và 300 máy bay không người lái Switchblade. Ngoài ra còn có hệ thống radar có khả năng theo dõi hỏa lực đang bay tới và xác định chính xác nguồn gốc của nó.

Gói viện trợ này nổi bật so với gói hỗ trợ an ninh trước đó cho Ukraina, một phần vì đợt này bao gồm các loại vũ khí tinh vi hơn và uy lực hơn so với các lô hàng trước đây. Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng do Nga chuyển chiến lược tập trung lực lượng ở miền đông Ukraina, nên Mỹ cũng thay đổi chiến lược của riêng mình trong hỗ trợ Ukraina.

Gói hỗ trợ vũ khí mới được công bố vài ngày sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley có cuộc trao đổi qua điện thoại hơn 2 tiếng với những người đồng cấp Ukraina để xem xét các yêu cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Oleksii Reznikov 2 lần trong tuần trước. Ông Reznikov đã cập nhật tình hình trên thực địa, giúp ông Austin xác định loại vũ khí mà Ukraina cần nhất.

Tổng thống Joe Biden đã thông báo về gói hỗ trợ mới trong cuộc điện đàm gần 1 tiếng với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 13.4. Có một loại khí tài mà ông Zelensky hỏi thẳng ông Biden là trực thăng Mi-17. Theo một nguồn tin thân cận, ban đầu các trực thăng này không bao gồm trong gói vũ khí vì giới chức Mỹ không rõ liệu Ukraina có muốn hay cần chúng vào thời điểm này hay không. Ông Zelensky đã nói rõ với ông Biden hôm 13.4 rằng Ukraina cần.

Vì sao Mỹ cung cấp vũ khí uy lực

Các loại vũ khí đang được cung cấp tập trung vào giao tranh có khả năng xảy ra ở vùng Donbass có địa hình mở hơn là giao tranh gần trong các khu vực đô thị và rừng rậm xung quanh Kiev và các thành phố khác của Ukraina. Donbass cũng giáp với phía tây nam nước Nga, cho phép các lực lượng Nga tránh được các loại vấn đề về bảo trì, hậu cần và thông tin liên lạc.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết gói vũ khí được thiết kế riêng cho cuộc chiến ở Donbass, địa hình mà ông mô tả là "hơi giống Kansas".

"Nó phẳng hơn một chút. Nó thoáng hơn một chút. Và đó là nơi mà chúng ta có thể đoán trước rằng Nga sẽ muốn sử dụng xe tăng và hỏa lực tầm xa, pháo và tên lửa để đạt được một số mục tiêu trước khi triển khai bộ binh" - ông Kirby nói và bổ sung rằng gói vũ khí mới là "một nỗ lực rất lớn để giúp Ukraina có mọi lợi thế trong cuộc chiến sắp diễn ra".

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đối mặt với áp lực của lưỡng đảng phải làm nhiều hơn nữa để giúp Ukraina, đặc biệt là cung cấp nhiều vũ khí mạnh hơn. Nhưng Nhà Trắng lưỡng lự trong nhiều tuần, thận trọng trước việc Nga sẽ phản ứng, bởi giới chức Điện Kremlin từng cảnh báo có thể coi đây là hành động leo thang hoặc là dấu hiệu cho thấy Mỹ tham gia vào cuộc chiến.

Vì lý do này, chính quyền Mỹ đã từ chối gửi chiến đấu cơ MiG-29 của Ba Lan sang Ukraina.

Ông Kirby hôm 9.3 cho biết Mỹ lo ngại rằng "việc chuyển giao máy bay chiến đấu ngay bây giờ có thể khiến Nga nhầm lẫn là một bước leo thang".

Giờ đây, lập trường của chính quyền ông Biden dường như đã thay đổi cùng với phạm vi của cuộc chiến. Khi Mỹ chuẩn bị gửi các loại vũ khí mà nước này chưa cung cấp kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, Lầu Năm Góc khẳng định đây là một phần trong cam kết "ngay từ đầu" của Mỹ  để giúp Ukraina tự vệ.

Các nước cung cấp vũ khí cho Ukraina

Trong nhiều tuần, Tổng thống Zelensky đã đề nghị các nhà lãnh đạo thế giới cung cấp cho Ukraina vũ khí và thiết bị. Vào tháng 3, ông Zelensky đã phát biểu trực tuyến trước quốc hội của 17 nước và 3 tổ chức quốc tế, trong đó nhấn mạnh thông điệp cốt lõi: Ukraina cần thêm vũ khí.

Ông yêu cầu quốc hội các nước cung cấp hệ thống phòng không mới để giúp bảo vệ bầu trời Ukraina. Ông yêu cầu 1% xe tăng và máy bay của NATO để đánh trả lực lượng Nga. Và ông đã tìm kiếm thêm vũ khí từ Bỉ, cảnh báo rằng nếu Ukraina thua, Liên minh Châu Âu sẽ thua.

Phần lớn, các quốc gia đã gửi vũ khí nhỏ, tên lửa chống giáp và tên lửa phòng không, cũng như thiết bị bảo vệ và y tế. Tuy nhiên, hiện tại, với việc các lực lượng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào khu vực Donbas, tình thế đang thay đổi. Slovakia cung cấp cho Ukraina tên lửa phòng không S-300. Cộng hòa Czech gửi xe tăng T-72. Vương quốc Anh thông báo sẽ chuyển 120 xe bọc thép cho Ukraina. Và bây giờ Mỹ phê duyệt một loạt loại vũ khí mới và mạnh hơn.

Liên minh Châu Âu thông báo sẽ cung cấp thêm khoản viện trợ 544 triệu USD vào cùng ngày Nhà Trắng phê duyệt gói 800 triệu USD. Gói viện trợ công bố hôm 13.4 đánh dấu lần đầu tiên Mỹ cung cấp cho Ukraina lựu pháo. Ông Kirby nói rằng với một số hệ thống sẽ cần đào tạo thêm để người Ukraina có thể sử dụng.

Khánh Minh
TIN LIÊN QUAN

5 quốc gia mà Mỹ đang tìm cách lay chuyển lập trường về Nga

Ngọc Vân |

Hiện có 5 nước mà Mỹ đang cố gắng thuyết phục làm nhiều hơn nữa để gây sức ép với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Tổng thống Putin giải thích lý do hòa đàm Nga-Ukraina bế tắc

Khánh Minh |

Tổng thống Putin cáo buộc Ukraina không tuân theo những gì đã thỏa thuận ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến hòa đàm Nga-Ukraina bế tắc.

Thực hư việc Mỹ để ngỏ cửa cho Nga gia nhập NATO

Song Minh |

Nga lên tiếng về việc cựu Tổng thống Bill Clinton nói rằng Mỹ đã để ngỏ cánh cửa cho Nga trở thành thành viên NATO.

Ngư dân Đà Nẵng đón lộc biển trong chuyến đi đầu năm

Nguyễn Linh |

Những chuyến đi biển đầu năm chở đầy cá, tôm vừa cập bến âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng, mang đến cho người dân niềm phấn khởi và hy vọng vào một năm mới bội thu.

Thiếu cơ sở dữ liệu, khó đánh thuế bất động sản

ANH HUY |

Theo các chuyên gia, đánh thuế tài sản đối với bất động sản (BĐS) là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ và có lộ trình trước khi ban hành, nhất là khi thông tin các giao dịch BĐS vẫn còn mập mờ, thiếu minh bạch.

Nghề lặt hoa, cắt cành thu tiền triệu sau Tết, muốn thuê phải đặt trước

Thanh Thanh |

Nếu như những ngày trước Tết người trồng mai tất bật với công việc lặt lá để mai đồng loạt trổ hoa đúng vào dịp Tết thì những ngày sau Tết, nhà vườn lại tiếp tục tất bật với công việc lặt bỏ bông mai. Đây cũng là thời điểm để nhiều lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập từ công việc này.

Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Không có lộ trình khó thành công

ĐÌNH THẢO (THỰC HIỆN) |

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương khi chứng kiến phong độ đi xuống của tiền vệ Quang Hải, đã chỉ ra khó khăn cho cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại.

Chứng khoán: Kỳ vọng lực cầu giá thấp gia tăng mạnh

Gia Miêu |

Các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo khả năng thị trường sẽ có những phiên rung lắc rất mạnh trong thời gian tới do lực cầu chưa đủ mạnh dù thị trường đã không còn giảm điểm.

5 quốc gia mà Mỹ đang tìm cách lay chuyển lập trường về Nga

Ngọc Vân |

Hiện có 5 nước mà Mỹ đang cố gắng thuyết phục làm nhiều hơn nữa để gây sức ép với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Tổng thống Putin giải thích lý do hòa đàm Nga-Ukraina bế tắc

Khánh Minh |

Tổng thống Putin cáo buộc Ukraina không tuân theo những gì đã thỏa thuận ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến hòa đàm Nga-Ukraina bế tắc.

Thực hư việc Mỹ để ngỏ cửa cho Nga gia nhập NATO

Song Minh |

Nga lên tiếng về việc cựu Tổng thống Bill Clinton nói rằng Mỹ đã để ngỏ cánh cửa cho Nga trở thành thành viên NATO.