Theo nhà cung cấp dữ liệu EPFR, các nhà đầu tư đã rót 367 tỉ USD vào các quỹ thị trường tiền tệ của Mỹ trong tháng 3, khi sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) khiến cổ phiếu sụt giảm và đặt ra câu hỏi về tính an toàn của tiền gửi ngân hàng.
Dữ liệu của Refinitiv Lipper cho thấy, tại châu Âu, các nhà đầu tư đã đưa 17,7 tỉ euro (19,35 tỉ USD) vào các quỹ thị trường tiền tệ bằng đồng euro vào tháng 3, khi cuộc khủng hoảng Credit Suisse làm rung chuyển thị trường.
Đây là một bước nhảy vọt so với ba tháng trước đó và là dòng tiền lớn nhất kể từ tháng 11. Nhưng dòng vốn chảy vào châu Âu không đáng kể so với dòng chảy vào các quỹ của Mỹ.
Một số nhà phân tích cho biết điều này là do các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào các ngân hàng châu Âu nói chung bất chấp sự sụp đổ của Credit Suisse. Các nhà phân tích khác cho rằng đó là do các quỹ thị trường tiền tệ châu Âu kém phát triển so với các quỹ của Mỹ và tập trung nhiều hơn vào khu vực tư nhân, đặc biệt là ngân hàng, nợ.
Quỹ thị trường tiền tệ là gì?
Quỹ thị trường tiền tệ (MMF) là một quỹ tương hỗ đầu tư vào các sản phẩm nợ ngắn hạn có tính thanh khoản cao - nghĩa là dễ mua và bán - chẳng hạn như các sản phẩm do chính phủ hoặc các công ty được đánh giá cao phát hành. Các công ty và nhà đầu tư coi chúng là nơi an toàn để gửi tiền mặt.
Khu vực quỹ thị trường tiền tệ châu Âu nhỏ hơn nhiều so với ở Mỹ. Tài sản MMF của Mỹ đã tăng lên 5,2 nghìn tỉ USD trong tháng 3 từ 2,5 nghìn tỉ USD trong năm 2014.
Các MMF có trụ sở tại châu Âu - bao gồm các quỹ bằng đồng bảng Anh và USD - đã tăng từ 1 nghìn tỉ euro trong năm 2014 lên khoảng 1,5 nghìn tỉ euro, dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội quản lý tài sản và quỹ châu Âu (EFAMA). Trong số đó, khoảng 40% là các quỹ bằng đồng euro.
Bất ổn ngân hàng Mỹ
Các nhà phân tích cho biết, dòng tiền khổng lồ chảy vào MMF của Mỹ trong tháng 3 phần lớn là do các công ty và nhà đầu tư rút tiền ra khỏi ngân hàng.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp đã rút một khoản kỷ lục 174,5 tỉ USD từ các ngân hàng thương mại Mỹ trong tuần tính đến ngày 15.3, khi ngân hàng SVB và Signature đều sụp đổ.
Michael Metcalfe - người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô tại State Street Global Markets - cho biết: “Phản ứng của nhà đầu tư dường như cho thấy các nhà đầu tư hiện có nhiều niềm tin vào các ngân hàng châu Âu hơn là ở Mỹ”.
Chiến lược gia Nikolaos Panigirtzoglou của JPMorgan nhận định, các ngân hàng châu Âu cũng đang tăng lãi suất để giữ chân khách hàng.
Các khoản tiền gửi mới với kỳ hạn đã thỏa thuận có thể có lãi suất trung bình 2,31% trong khu vực đồng euro, so với lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 3% và lãi suất trên MMF gần bằng lãi suất của ECB.
Tại Mỹ, tiền gửi một năm có lãi suất 2,24%, so với mức lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang là 4,75% đến 5%.
Dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thấy khách hàng đã rút 143 tỉ euro từ tiền gửi qua đêm tại các ngân hàng khu vực đồng euro vào tháng 2, mặc dù họ cũng gửi 83 tỉ euro vào tiền gửi với kỳ hạn thỏa thuận lên tới hai năm.
Không có gì tương tự thị trường kho bạc Mỹ
Dòng tiền vào MMF châu Âu đã tăng vọt trong tháng 3, cho thấy một số công ty và nhà đầu tư bị thu hút khi mọi thứ trở nên khó khăn.
EPFR cho biết quỹ thanh khoản bằng đồng euro của BlackRock là người thắng lớn, với hơn 2,5 tỉ euro dòng tiền vào.
David Callahan - người đứng đầu bộ phận thị trường tiền tệ tại Lombard Odier Investment Management - cho hay, một số nhà đầu tư lo lắng về việc bỏ tiền vào MMF châu Âu, vốn thường được đầu tư vào nợ ngân hàng. Khoảng 90% MMF châu Âu - được gọi là quỹ chính - đầu tư "rất nhiều" vào nợ ngân hàng.
Ngược lại, ông cho biết gần 90% MMF của Mỹ chỉ đầu tư vào nợ của chính phủ Mỹ - một thị trường rộng lớn và cực kỳ an toàn - giúp các nhà đầu tư thoải mái hơn trong thời kỳ khủng hoảng.
Federico Cupelli - phó giám đốc chính sách điều tiết tại EFAMA - cho biết: "Các quốc gia có chủ quyền ở EU không có cùng mức tín nhiệm, có thể ngoại trừ chính phủ Đức. Có thể quay lại cuộc khủng hoảng đồng euro năm 2015 để xem tại sao lại như vậy. Không có gì tương tự như thị trường kho bạc Mỹ".
Quy chế quan trọng thế nào?
Trong một số trường hợp, các MMF ở châu Âu và Mỹ đã phải vật lộn với việc mua lại khi các nền kinh tế bị phong tỏa vì COVID-19 vào tháng 3.2020, buộc các ngân hàng trung ương phải bơm thanh khoản vào thị trường để tránh đóng băng.
Cơ quan Chứng khoán và Thị trường Châu Âu (ESMA) đã đưa ra các đề xuất để làm cho thị trường MMF trở nên an toàn hơn, bao gồm khả năng loại bỏ hai loại quỹ được coi là kém ổn định hơn và tăng số lượng tài sản có tính thanh khoản cao mà các quỹ phải nắm giữ.
Một quan chức hàng đầu của ESMA cho biết vào tháng trước rằng cần cải cách để khắc phục các lỗ hổng trong MMF để ngành này có thể đối phó tốt hơn với các cú sốc kinh tế.