Theo Live Science, hai lần trong lịch sử Trái đất, những dãy núi khổng lồ cao chót vót như dãy Himalaya và kéo dài hàng nghìn km đã vươn những "cái đầu" hiểm trở của chúng ra khỏi bề mặt Trái đất, chia đôi các siêu lục địa cổ đại. Các nhà địa chất gọi chúng là các "siêu dãy núi".
Ziyi Zhu - một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australian (ANU) - cho hay, ngày nay, không có thứ gì giống như hai siêu dãy núi đó. Không chỉ về chiều cao của chúng, mà còn cả quy mô. Nếu bạn có thể tưởng tượng dãy Himalaya dài 2.400km được kéo dài thêm 3 hoặc 4 lần, bạn sẽ có ý tưởng về quy mô.
Những đỉnh núi thời tiền sử này không chỉ là cảnh đẹp tuyệt vời, theo nghiên cứu mới của Zhu và các đồng nghiệp được công bố ngày 5.2 trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters, sự hình thành và sụp đổ của hai dãy núi khổng lồ này có thể là nguồn cơn của hai trong số những thời điểm bùng nổ tiến hóa lớn nhất trong lịch sử hành tinh của chúng ta - sự xuất hiện đầu tiên của các tế bào phức tạp cách đây khoảng 2 tỉ năm và sự bùng nổ kỷ Cambri của sinh vật biển cách đây 541 triệu năm.
Có khả năng là khi những dãy núi khổng lồ này bị xói mòn, chúng thải ra biển một lượng lớn chất dinh dưỡng, đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng và tăng tốc quá trình tiến hóa, nhóm khoa học viết trong nghiên cứu.
Sự trỗi dậy của những người khổng lồ
Các dãy núi mọc lên khi các mảng kiến tạo luôn thay đổi của Trái đất đập 2 vùng đất vào nhau, đẩy các tảng đá trên bề mặt lên độ cao vượt trội. Các dãy núi có thể phát triển trong hàng trăm triệu năm hoặc hơn, nhưng ngay cả những dãy cao nhất cũng có ngày "hết hạn sử dụng", vì sự xói mòn do gió, nước và các yếu tố khác có thể ngay lập tức cuốn những đỉnh núi đó đi.Các nhà khoa học có thể lật lại lịch sử của các ngọn núi trên Trái đất bằng cách nghiên cứu các khoáng chất mà chúng để lại trong vỏ hành tinh. Ví dụ, tinh thể Zircon hình thành dưới áp suất cao sâu bên dưới các dãy núi nặng, và có thể tồn tại trong đá rất lâu sau khi các ngọn núi mẹ của chúng biến mất. Thành phần nguyên tố chính xác của mỗi hạt zircon có thể tiết lộ khi nào và ở đâu những tinh thể đó hình thành.
Trong nghiên cứu mới, nhóm khoa học đã kiểm tra các zircons có lượng lutetium thấp - nguyên tố hiếm chỉ hình thành ở chân các ngọn núi cao. Dữ liệu cho thấy hai đợt hình thành siêu dãy núi trong lịch sử Trái đất - lần một kéo dài từ khoảng 2 tỉ đến 1,8 tỉ năm trước và lần hai kéo dài từ 650 triệu đến 500 triệu năm trước.
Sự phân bố của các tinh thể zircon cho thấy cả hai siêu dãy núi cổ đại này đều rất lớn, có khả năng trải dài hơn 8.000km.
Bùng nổ tiến hóa
Nhóm nghiên cứu cho biết, khi cả hai dãy núi bị xói mòn, chúng sẽ thải ra biển một lượng lớn chất dinh dưỡng như sắt và phosphor thông qua chu trình nước. Những chất dinh dưỡng này có thể đã đẩy nhanh các chu kỳ sinh học trong đại dương, thúc đẩy quá trình tiến hóa ngày càng phức tạp hơn. Những ngọn núi bị xói mòn cũng có thể đã giải phóng ôxy vào khí quyển, khiến Trái đất càng trở nên thích hợp hơn với sự sống phức tạp.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, quá trình hình thành núi trên Trái đất đã ngừng từ khoảng 1,7 tỉ đến 750 triệu năm trước. Các nhà địa chất học mô tả thời kỳ này là siêu siêu buồn chán, bởi vì sự sống ở các vùng biển trên Trái đất dường như ngừng phát triển hoặc ít nhất là tiến hóa chậm một cách nhức nhối. Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết, việc thiếu quá trình hình thành núi mới có thể đã ngăn cản các chất dinh dưỡng mới rò rỉ vào đại dương trong thời gian này, khiến các sinh vật biển chết đói và đình trệ quá trình tiến hóa của chúng.