Hoàn cầu Thời báo đưa tin, Bảo tàng Lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc đã công bố những khám phá quan trọng mới nhất trong hố số 1 trong lần khai quật thứ ba, bao gồm các quy tắc về sự hình thành của đội quân đất nung, tàn tích trong đường hầm tiếp giáp với hố và quá trình sử dụng để tập hợp các chiến binh.
Cuộc khai quật thứ ba của hố số 1 bắt đầu vào năm 2009, với diện tích khoảng 430 mét vuông. Theo bảo tàng, cho đến nay đã xác định được hơn 220 tượng đất nung, 16 con ngựa đất nung, 4 cỗ xe và các di vật khác như vũ khí và công cụ sản xuất.
Nhà nghiên cứu bảo tàng Shen Maosheng nói với giới truyền thông rằng, bên cạnh việc khai quật những di vật này, cuộc khai quật khảo cổ đã đạt được một số bước đột phá quan trọng.
Thông qua cuộc khai quật, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xác lập được các loại và cách sắp xếp vũ khí của các chiến binh đất nung, cũng như sự hình thành và mô hình của đội quân bí ẩn dưới lòng đất.
Theo nhà nghiên cứu Shen, cuộc khai quật cũng làm rõ cách các bức tượng nhỏ được lắp ráp. Cụ thể, sau khi các bức tượng bằng đất nung được dựng lên mới bắt đầu bố trí các chi tiết trang trí và ráp hai cánh cánh lại.
Một bước đột phá khác là việc phát hiện ra một số tàn tích trong đường hầm của hố, điều này cho thấy ai đó đã đào đường hầm để vào trong hố. Các nhà nghiên cứu suy đoán đó có thể là những cá nhân đã tham gia xây dựng hố và quen thuộc với cấu trúc này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là quân lính của nhà Tần (năm 221-206 trước Công nguyên), những người đã đầu hàng Hạng Vũ - danh tướng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Năm 25 tuổi, ông thống lĩnh quân lính chống nhà Tần. Năm 26 tuổi, ông đã xưng danh Tây Sở Bá Vương, tự mình phân định thiên hạ.
Các nhà nghiên cứu hiện tin rằng, những người này hẳn đã cố gắng phá hủy lăng mộ và hố của các chiến binh đất nung nếu họ được lệnh của Hạng Vũ. Do đó, phát hiện trong đường hầm cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng Hạng Vũ đã cố gắng phá hủy lăng mộ.
Zhang Ying - một chuyên gia về khảo cổ học thời nhà Tần và nhà Hán - cho hay, đường hầm được những quân lính nhà Tần đầu hàng Hạng Vũ tạo ra là một giả thuyết "táo bạo nhưng hợp lý".
“Do đường hầm được đào lên mà không có dấu hiệu bị hư hại rõ ràng, nên rõ ràng những người đào nó đã quen thuộc với cấu trúc của hố chiến binh đất nung, và có khả năng là những người đã tham gia xây dựng lăng mộ Hoàng đế đầu tiên của nhà Tần.
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là lăng mộ được xây dựng trong hơn 38 năm, từ năm 246-208 trước Công nguyên và nằm dưới một gò mộ cao 76 mét có hình dạng gần giống một kim tự tháp.
Bố cục của lăng mô phỏng theo kinh đô nhà Tần là Hàm Dương được chia thành các khu nội thành và ngoại thành. Chu vi của khu vực nội thành là 2,5km và ngoại thành là 6,3km.
Mộ chính nằm ở phía tây nam của nội thành và hướng về phía đông. Buồng lăng mộ chính chứa quan tài và các hiện vật chôn cất là tâm điểm của quần thể kiến trúc lăng mộ.
Ngôi mộ chưa được khai quật hoàn toàn. Các cuộc thám hiểm khảo cổ hiện tập trung vào các địa điểm khác của nghĩa địa rộng lớn bao quanh lăng mộ, bao gồm cả đội quân đất nung ở phía đông của gò mộ.
Đội quân đất nung tượng trưng như là những người bảo vệ cho lăng mộ và vẫn chưa được khai quật hoàn toàn.