Chương trình "superbonus", có thể được sử dụng cho mọi thứ, từ vật liệu cách nhiệt đến tấm pin mặt trời, nồi hơi và cửa sổ mới, được Italia triển khai từ tháng 5.2020 để thúc đẩy nền kinh tế sau đợt phong tỏa do COVID-19.
Theo AFP, các nhà hoạt động môi trường tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của chương trình này nhưng người Italia đã nhanh chóng tận dụng chương trình này, trong đó nhà nước trả 110% chi phí giúp ngôi nhà xanh hơn, với khoản trợ cấp này được cung cấp thông qua tín dụng thuế hoặc giảm thuế.
Chương trình được đưa ra với mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực xây dựng nhưng cho đến nay đã tiêu tốn của nhà nước 61,2 tỉ euro (64,8 tỉ USD), theo Bộ tài chính Italia.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho biết, tình hình "ngoài tầm kiểm soát". Bà nói rằng, kế hoạch này dẫn đến vụ lừa đảo trị giá 9 tỉ euro (9,5 tỉ USD), trong khi bản chất có thể giao dịch của các khoản tín dụng thuế đã "tạo ra một loại tiền tệ song song và rủi ro tiền tệ song song đó có gây tổn hại cho ngân sách".
Bộ trưởng Tài chính Giancarlo Giorgetti còn đi xa hơn, mô tả đây là một "chính sách nguy hại".
Lorenzo Codogno - cựu Kinh tế trưởng tại Bộ Tài chính Italia - chỉ ra, những nỗ lực hiện tại để định lượng tác động của kế hoạch với tài chính công đang căng thẳng của Italia có thể là "thời điểm thức tỉnh cho thị trường tài chính".
Ông cảnh báo thâm hụt của Italia có thể tăng lên đáng kể, trong khi cả lĩnh vực xây dựng và chính phủ "có thể gặp vấn đề về thanh khoản".
Thâm hụt của Italia ước tính là 5,6% GDP vào năm ngoái và sẽ giảm xuống 4,5% vào năm 2023, nhưng các số liệu sửa đổi có tính tới chương trình "superbonus" dự kiến công bố ngày 1.3.
Kế hoạch superbonus được cựu Thủ tướng Giuseppe Conte giới thiệu. Chính sách này cho phép chủ nhà khấu trừ chi phí công việc từ thuế của họ trong vài năm hoặc bán tín dụng thuế cho người xây dựng nhà cho họ và người này sẽ bán lại cho ngân hàng, sau đó ngân hàng sẽ đòi tiền từ nhà nước.
Angelica Donati - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia ANCE - nói với AFP rằng, khoản tiền này nhằm phục hồi nền kinh tế Italia cũng như khởi động lại ngành xây dựng. Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng 21,6% vào năm 2021, giúp thúc đẩy tăng trưởng hậu đại dịch COVID-19 ở Italia.
Chương trình này cũng tạo ra nhiều công việc hơn so với dự báo ban đầu và các ngân hàng đã ngừng mua tín dụng từ năm ngoái, khiến một số công ty xây dựng rơi vào tình trạng khó khăn.
Chính phủ của Thủ tướng Meloni cũng tìm cách hạn chế các khoản trợ cấp, giảm tiền từ 110% xuống 90% vào năm ngoái.
Tới tuần trước, chính phủ của bà Meloni cũng đột ngột dừng việc sử dụng các khoản tín dụng thuế, đồng thời tìm cách giải phóng các khoản tín dụng hiện có ước tính 19 tỉ euro (20 tỉ USD) cho những công việc đã được thực hiện nhưng chưa được thanh toán.
ANCE thông tin, khoảng 25.000 công ty xây dựng có nguy cơ phải đóng cửa.
Người dùng chương trình superbonus hiện chỉ có thể nhận lại tiền từ nhà nước thông qua giảm thuế - nhưng điều này chủ yếu mang lại lợi ích cho những người có thu nhập cao hơn.
Chính phủ Italia đang xem xét các giải pháp thay thế khả thi cho hệ thống tín dụng.
Trong nghiên cứu vào năm ngoái, Ngân hàng Italia cho biết, superbonus "không phải là một cách hiệu quả về chi phí" để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Matteo Leonardi - đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu ECCO của Italia - cho rằng, chương trình này thiếu "tham vọng".
"Nó không liên quan đến các mục tiêu khí hậu" - ông nói với AFP. Chương trình cũng không thúc đẩy đầy đủ các công nghệ đổi mới sáng tạo nhưng ít quen thuộc hơn như máy bơm nhiệt.
Nhưng ông Leonardi cho rằng, dù có những thiếu sót nhưng chương trình superbonus sẽ có giá trị khi được sửa đổi triệt để để đáp ứng các mục tiêu tham vọng hơn.