Nhật Bản, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 đã phải đối mặt với nguy cơ thậm chí còn lớn hơn, khi một báo cáo của chính phủ nước này cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng có thể diễn ra tới năm 2040 với lượng nhân lực thiếu hụt lên tới 1 triệu người, theo SCMP.
Các nhân viên y tế Nhật Bản phàn nàn về tình trạng kiệt sức trong thời gian cao điểm của đại dịch, một số đã bỏ việc nhưng không có người thay thế do các điều kiện làm việc công khai, bao gồm cả thời gian dài, công việc căng thẳng, lương thấp và khả năng nhiễm virus cao.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn mà Nhật Bản đang phải lo lắng là tỉ lệ sinh giảm và dân số trẻ tham gia lực lượng lao động ít hơn. Theo thống kê của chính phủ, tổng dân số Nhật Bản sẽ ở mức 110,9 triệu người vào năm 2040, giảm 12,7% so với 125,8 triệu người được ghi nhận vào năm 2020.
Đồng thời, tuổi trung bình của một người Nhật Bản sẽ tăng 7,5 tuổi lên 54,2 tuổi vào năm 2040 và tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm gần 7% xuống còn 5,39%. Các số liệu cũng cho thấy những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 35,3% tổng dân số, tăng 8,7% so với con số hiện tại.
Đối mặt với khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng mà ngành y tế Nhật Bản phải đối mặt đã được chỉ ra bằng báo cáo thường niên của Bộ Y tế nước này, được trình bày trước nội các vào tháng 9, với việc thu hút đủ lao động vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được xác định là “một trong những hạng mục chương trình nghị sự quan trọng nhất mà các dịch vụ an sinh xã hội phải đối mặt”.
Bên cạnh đó, nhu cầu về các dịch vụ y tế Nhật Bản dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2025, năm mà thế hệ trung niên hiện tại bước sang tuổi 75. Chỉ 15 năm sau, khi thế hệ tiếp theo chạm ngưỡng 75 tuổi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe nước này sẽ cần tới 10,7 triệu lao động.
Tuy nhiên, con số này không hề dễ đạt được. Hiện tại, với tỉ lệ sinh và các yếu tố khác, báo cáo cho thấy sẽ chỉ có 9,74 triệu lao động, thiếu 960.000 người so với mức như cầu dự kiến, báo Asahi đưa tin ngày 19.10.
Yoko Tsukamoto, giáo sư điều dưỡng tại Đại học Khoa học Y tế Hokkaido và chịu trách nhiệm chuẩn bị một thế hệ chuyên gia chăm sóc sức khỏe mới, thừa nhận rằng bà rất lo lắng.
“Chúng tôi đã thấy nhiều người rời bỏ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hơn, phần lớn là do áp lực mà mọi người phải chịu trong vài năm qua. Đây là một nghề nghiệp rất áp lực và chắc chắn nó không dành cho tất cả mọi người, với tỉ lệ bỏ học ở sinh viên năm thứ nhất là khoảng 20% trước đại dịch” - bà nói, đồng thời chỉ ra rằng 1/5 số người bỏ học trước khi kết thúc năm đầu tiên là tỉ lệ tiêu hao cao hơn nhiều so với các công việc khác.
Mặc dù không có số liệu chắc chắn về tỉ lệ bỏ học kể từ khi COVID-19 xuất hiện vào quý đầu tiên của năm 2020, bà Tsukamoto tự tin rằng nó “cao hơn đáng kể” so với trước đây.
Nhưng vấn đề ngắn hạn đó sẽ sớm trở nên gay gắt hơn với mật độ người cao tuổi vốn đã cao và tình trạng thiếu nhân công ảnh hưởng đến hầu hết mọi ngành.
Giải pháp nào cho Nhật Bản?
Ngoài việc trả lương tốt hơn cho nhân viên y tế, bà Tsukamoto cho rằng có thể đưa nhiều robot và máy móc tự động hóa hơn vào bệnh viện để đảm nhận những công việc đơn giản. Tương tự, các nhân viên y tế có trình độ cao hơn từ nước ngoài nên được phép làm việc tại Nhật Bản.
Số lượng hạn chế các y tá và nhân viên chăm sóc từ Philippines và Indonesia làm việc tại Nhật Bản là điều gây cản trở mục tiêu đáp ứng nhân lực của ngành. Hiện tại, do giá trị của đồng yên ở thời điểm hiện tại quá yếu, nhiều y tá từ Đông Nam Á đang lựa chọn tới Mỹ hơn là làm việc tại Nhật Bản.
Kazuhiro Tateda, chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản và là thành viên của ban cố vấn được thành lập để tư vấn cho chính phủ Nhật Bản ngay từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19, cũng có ý kiến tương tự.
“Chúng tôi cần nhiều lao động hơn nữa trong lĩnh vực này ngay bây giờ vì có rất nhiều người cao tuổi cần được điều trị và trợ giúp. Tình trạng thiếu hụt mà chúng tôi đang thấy hiện nay sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới”, ông nói.
Tuy nhiên, đại dịch đã cho các nhà chức trách thấy những gì có thể xảy ra nếu một dịch bệnh nguy hiểm hơn bùng phát trong tương lai, ông Tateda nói và cho biết Nhật Bản cần phải thực hiện các bước để thu hút mọi người vào nghề và giữ chân họ.
“Mọi người cần điều kiện làm việc tốt và mức lương cao hơn, điều đó thực sự đơn giản. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng họ cần có niềm tự hào. Nếu họ có niềm tự hào về công việc, nếu họ cảm thấy được đánh giá cao và tôn trọng vì một công việc rất khó khăn, thì tôi nghĩ họ sẽ ở lại”, ông Tateda kết luận.