Giới phân tích Trung Quốc nói Nga thừa sức chống trừng phạt của phương Tây

Song Minh |

Nga có thể chịu được các lệnh trừng phạt của phương Tây do đã có nhiều năm chuẩn bị, theo nhận định của giới phân tích Trung Quốc.

Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc cho hay, Nga có năng lực và khả năng phục hồi mạnh mẽ để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, vì nền kinh tế của nước này - vốn đang chịu tác động của các lệnh trừng phạt trong nhiều năm - không hướng ngoại và đang đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng khỏi Châu Âu - một tiến trình sẽ không gặp khó khăn trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng toàn cầu.

Các nước trừng phạt Nga

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21.2 công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk (DNR và LNR) ở miền Đông Ukraina là các quốc gia độc lập và có chủ quyền, Mỹ và Châu Âu đã công bố các biện pháp trừng phạt ngay lập tức với Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp "cấm đầu tư, thương mại và tài chính mới của người Mỹ đến, từ hoặc trong cái gọi là các khu vực DNR và LNR của Ukraina".

Đây là làn sóng trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga từ phương Tây sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraina bùng phát trong nhiều tháng. Ông Biden tuyên bố Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả "nhanh chóng, nghiêm trọng và thống nhất" từ Mỹ và các đồng minh.

Đức, Anh, Canada và Nhật Bản ngay sau đó đã có các biện pháp trừng phạt riêng. Ngày 23.2, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản sẽ cấm phát hành trái phiếu của Nga trong nước và sẽ đóng băng tài sản của một số cá nhân Nga.

Anh công bố kế hoạch nhắm vào giới tinh hoa và các ngân hàng của Nga, trong khi Đức dừng lại dự án đường ống dẫn khí đốt lớn Nord Stream 2. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố cấm người Canada mua trái phiếu chủ quyền của Nga.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Quân đội Nga tham gia cuộc diễn tập quân sự ở St.Petersburg, Nga ngày 14.2.2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Quân đội Nga tham gia cuộc diễn tập quân sự ở St.Petersburg, Nga ngày 14.2.2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tác động đến Nga

Các lệnh trừng phạt đã khiến chứng khoán toàn cầu và đồng rúp lao dốc. Chỉ số RTS của Nga (theo dõi 50 cổ phiếu hàng đầu của Nga tính theo USD trên Sở giao dịch chứng khoán Mátxcơva), đã tăng 1,59% hôm 22.2 sau khi ngân hàng trung ương Nga cho biết "đã sẵn sàng thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính", phục hồi từ mức giảm 17% một ngày trước đó.

Giới quan sát Trung Quốc cho rằng, các biện pháp trừng phạt cho đến nay mang tính biểu tượng hơn là bất cứ điều gì có khả năng gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế Nga, và các động thái thị trường vốn phản ánh sự lo lắng nhất thời của các nhà đầu tư.

"Đợt trừng phạt đầu tiên không nhắm vào các ngành cụ thể hoặc cốt lõi của nền kinh tế Nga, vì vậy tác động là rất nhỏ" - ông Cui Hongjian, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nhận định.

Theo ông Cui, các biện pháp tiếp theo, nếu có, có thể cụ thể hơn và ở phạm vi rộng hơn, liên quan đến các khía cạnh năng lượng, tài chính và quân sự.

Reuters đưa tin, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất mở rộng lệnh cấm xuất khẩu công nghệ mới và cắt đứt khả năng tiếp cận USD của các công ty Nga. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo rằng Nga "về nguyên tắc sẽ bị cắt khỏi thị trường tài chính quốc tế" và bị từ chối tiếp cận các hàng hóa xuất khẩu lớn nếu nước này có hành động quân sự ở Ukraina".

Tập đoàn Gazprom cung cấp khí đốt cho Châu Âu. Ảnh: Gazprom
Tập đoàn Gazprom cung cấp khí đốt cho Châu Âu. Ảnh: Gazprom

Trong một số cuộc phỏng vấn, bà von der Leyen cũng ám chỉ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga và nhắm vào đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối Nga với Đức.

Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom và Nga là một trong những nhà sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.

Các nhà quan sát cho rằng Châu Âu khó có thể thoát khỏi phụ thuộc vào Nga về khí đốt, xét đến tình trạng thiếu hụt toàn cầu kéo dài và mức độ mà Mỹ có thể thay thế xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.

Nga đã và đang nỗ lực đa dạng hóa để khám phá các thị trường thay thế. Chẳng hạn trước đây Nga chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm sang Châu Âu, nhưng giờ đây Nga đang tăng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc.

Vào tháng 2, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận về việc mua bán khí đốt từ vùng Viễn Đông của Nga, và theo thỏa thuận này, Nga sẽ tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc lên 48 tỷ mét khối mỗi năm.

Ông Cui nói rằng lệnh cấm xuất khẩu công nghệ mới tiềm năng của Mỹ có thể hạn chế việc cung cấp nguyên liệu và thiết bị cho quân đội, hàng không vũ trụ và các lĩnh vực năng lượng của Nga.

"Nhưng phương Tây đã đưa vào danh sách đen các doanh nghiệp quân sự và công nghệ cao của Nga kể từ năm 2014. Vì vậy, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có thể tận dụng lệnh cấm vận của mình để gây áp lực lên Nga hay không" - Li Jianmin, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho hay.

Về việc liệu Mỹ có chơi quân át chủ bài trong việc loại Nga khỏi hệ thống SWIFT - vốn có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngoại thương của Nga - hay không, ông Cui nói rằng "phương Tây đang chia rẽ sâu sắc" về vấn đề này do khối lượng thương mại lớn của Châu Âu với Nga.

Theo ông Li, Nga từ lâu đã thực hiện các bước chống lại một động thái có thể xảy ra như vậy, bao gồm việc tránh sử dụng đồng USD trong một số giao dịch thương mại, và giảm dự trữ ngoại hối bằng đồng USD. Nga đã phát triển một hệ thống thay thế có tên là SPFS từ năm 2014, hệ thống này hiện xử lý khoảng 1/5 các khoản thanh toán trong nước.

"Nga đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm áp lực xem nền kinh tế của họ sẽ vận hành thế nào trong những trường hợp cực đoan, trong đó phải kể đến việc cắt đứt các liên kết với bên ngoài. Nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, Nga vẫn có thể đảm bảo nguồn cung của chính mình vì nước này có nguồn lực dồi dào" - ông Li giải thích.

Ông Cui đồng ý và lưu ý rằng sự phụ thuộc của Nga vào thị trường bên ngoài là "hạn chế" ngoại trừ lĩnh vực năng lượng và quân sự, điều này nói lên khả năng chống chịu của Nga trước các các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Nga trao quyền cho ông Putin triển khai quân đội ở nước ngoài

Khánh Minh |

Quốc hội Nga đã trao cho Tổng thống Vladimir Putin quyền để triển khai quân đội ở nước ngoài sau khi thảo luận về tình hình ở Donbass, miền Đông Ukraina.

Cảnh báo thị trường năng lượng sụp đổ nếu Nga bị trừng phạt

Ngọc Vân |

Thị trường khí đốt và năng lượng thế giới có thể sụp đổ nếu phương Tây trừng phạt ngành năng lượng Nga, theo cảnh báo của Fitch.

Mỹ công bố đợt trừng phạt Nga đầu tiên

Ngọc Vân |

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đợt trừng phạt đầu tiên đối với Nga và giới tinh hoa nước này hôm 22.2.

Viện Pasteur TPHCM ra công văn khẩn về giám sát viêm phổi nặng do virus

Thanh Chân |

Ngày 24.2, Viện Pasteur TPHCM có công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành phía nam về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus sau khi Campuchia ghi nhận 2 ca nhiễm cúm gia cầm A (H5N1).

Nếu Quang Hải, Công Phượng trở lại V.League...

PHẠM ĐÌNH |

Những cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng có nên tính chuyện trở lại V.League khi ít được thi đấu ở nước ngoài?

Khởi tố 2 giám đốc Trung tâm Đăng kiểm ở Hưng Yên

HỮU CHÁNH |

Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố, bắt tạm giam 2 giám đốc và 5 đồng phạm để điều tra về hành vi "Giả mạo trong công tác và Nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 89-02S và 89-05D.

Những điều thú vị khi khám phá tiểu vương quốc Brunei

Minh Anh |

Đất nước Brunei nhỏ bé, yên bình với nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng là điểm đến lý tưởng để nghỉ dưỡng dành cho du khách muốn trốn chạy khỏi sự náo nhiệt, xô bồ của thành phố

Người lao động cả tin chuyển hơn 100 triệu đồng nhờ rút tiền bảo hiểm xã hội

ANH THƯ |

Tin vào một số đối tượng trên mạng xã hội, người lao động đã nghe theo, chuyển hơn 100 triệu đồng nhờ rút tiền bảo hiểm xã hội. Tiền vẫn chưa về tay người lao động, nhóm đối tượng trên đã mất hút.

Nga trao quyền cho ông Putin triển khai quân đội ở nước ngoài

Khánh Minh |

Quốc hội Nga đã trao cho Tổng thống Vladimir Putin quyền để triển khai quân đội ở nước ngoài sau khi thảo luận về tình hình ở Donbass, miền Đông Ukraina.

Cảnh báo thị trường năng lượng sụp đổ nếu Nga bị trừng phạt

Ngọc Vân |

Thị trường khí đốt và năng lượng thế giới có thể sụp đổ nếu phương Tây trừng phạt ngành năng lượng Nga, theo cảnh báo của Fitch.

Mỹ công bố đợt trừng phạt Nga đầu tiên

Ngọc Vân |

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đợt trừng phạt đầu tiên đối với Nga và giới tinh hoa nước này hôm 22.2.