Lời giải từ khu mộ cổ
Cái chết Đen, đại dịch tàn phá thế giới thời trung cổ, có nguồn gốc bí ẩn đã khiến các nhà khoa học mất nhiều thế kỷ tranh luận.
Ngày 15.6, các nhà nghiên cứu thông báo đã xác định chính xác nguồn gốc của bệnh dịch Cái chết Đen là một vùng của Kyrgyzstan.
Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature có được sau khi giới khoa học phân tích ADN từ hài cốt tại một khu chôn cất cổ đại.
“Chúng tôi đã nỗ lực thực sự để ngừng tất cả những tranh cãi hàng thế kỷ về nguồn gốc của Cái chết Đen" - Philip Slavin, nhà sử học, thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết.
Cái chết Đen là làn sóng khởi đầu của một đại dịch kéo dài gần 500 năm. Theo ước tính, chỉ trong 8 năm, từ 1346 đến 1353, đại dịch tồi tệ này cướp đi sinh mạng của 60% dân số Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi.
Ông Slavin, phó giáo sư tại Đại học Stirling ở Scotland - người luôn "bị thu hút bởi Cái chết Đen" - đã tìm ra manh mối hấp dẫn trong một tác phẩm năm 1890 mô tả khu chôn cất cổ đại ở miền bắc Kyrgyzstan ngày nay.
Tác phẩm này ghi lại việc chôn cất tăng đột biến vào năm 1338-1339 và một số bia mộ mô tả những người đã "chết vì bệnh dịch".
"Khi có tỉ lệ tử vong quá mức trong 1 hoặc 2 năm có nghĩa là một điều gì đó khác thường đã xảy ra ở đó. Nhưng đó không phải năm nào khác mà là 1338 và 1339, khoảng 7 hoặc 8 năm trước Cái chết Đen" - ông lưu ý.
Tuy nhiên, đây chỉ là lập luận và chưa có gì để xác định nguyên nhân dẫn tới những cái chết tăng khác thường ở khu vực chôn cất này. Do đó, Slavin đã hợp tác với các chuyên gia kiểm tra các ADN cổ đại.
Sự kiện "Big Bang"
Các chuyên gia đã trích xuất ADN từ răng của 7 người được chôn cất tại khu mộ cổ Kyrgyzstan, Maria Spyrou - nhà nghiên cứu tại Đại học Tuebingen và tác giả tham gia nghiên cứu - thông tin.
Vì răng chứa nhiều mạch máu nên giúp các nhà nghiên cứu có "cơ hội cao trong phát hiện ra những mầm bệnh lây truyền qua đường máu có thể dẫn tới tử vong ở những cá nhân này", chuyên gia Spyrou chia sẻ với AFP.
Sau khi trích xuất và giải trình tự, những ADN này được so sánh với cơ sở dữ liệu của hàng nghìn bộ gene vi sinh vật.
Một trong những vi khuẩn mà các nhà khoa học phát hiện được là Yersinia pestis - vi khuẩn gây ra dịch hạch, chuyên gia Spyrou cho hay.
ADN cũng cho thấy có những kiểu tổn thương đặc trưng, "những gì chúng tôi đang ứng phó là một bệnh lây nhiễm mà các cá thể cổ đại mang theo vào thời điểm họ chết", bà nói.
Sự khởi đầu của Cái chết Đen liên quan đến một sự kiện khác gọi là "Big Bang", khi những chủng virus gây dịch hạch đột nhiên được đa dạng hóa.
Các nhà khoa học cho rằng, điều này có thể xảy ra sớm nhất vào thế kỷ thứ 10 nhưng vẫn chưa xác định được ngày tháng cụ thể.
Nhóm nghiên cứu điều tra nguồn gốc Cái chết Đen đã tái tạo bộ gene của vi khuẩn gây dịch hạch Yersinia pestis từ các mẫu vật và tìm thấy chủng vi khuẩn này tại khu chôn cất trước thời điểm vi khuẩn đa dạng hóa.
Các nghiên cứu khác cũng giúp nhóm kết luận sự kiện "Big Bang" chắc chắn đã xảy ra ở đâu đó trong vùng trong một khoảng thời gian ngắn trước Cái chết Đen.
Theo Michael Knapp, phó giáo sư tại Đại học Otago của New Zealand, người không tham gia vào nghiên cứu, nghiên cứu cũng có một số hạn chế không thể tránh khỏi, bao gồm quy mô mẫu vật nhỏ. Tuy nhiên, ông thừa nhận có thể khó tìm được các mẫu bổ sung và ca ngợi đây là nghiên cứu "thực sự có giá trị".
Sally Wasef, nhà cổ sinh học tại Đại học Công nghệ Queensland, cho biết, công trình này mang lại hy vọng để giải đáp những bí ẩn khoa học cổ đại khác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tổng số 3.248 ca dịch hạch được báo cáo trên toàn thế giới từ năm 2010-2015, dẫn đến 584 ca tử vong. Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar và Peru là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.