Không chấp nhận rủi ro để mất khu vực
Các quốc gia MENA, đặc biệt là Ai Cập và Lebanon, phụ thuộc nhiều vào lúa mì và phân bón từ Ukraina và Nga đã phải đối mặt với giá tăng đột biến.
Theo Reuters, Liên minh Châu Âu (EU) đặt mục tiêu giải quyết tình trạng tăng giá lúa mì và phân bón cũng như tình trạng thiếu hụt dự kiến ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) cũng như vùng Balkan bằng “ngoại giao lương thực”.
Một nhà ngoại giao Liên minh Châu Âu cho hay, tình trạng mất an ninh lương thực đang gây lo ngại ở các nước dễ bị tổn thương ở những khu vực này.
Nhà ngoại giao cho biết thêm, tình trạng mất an ninh lương thực gây ra mối đe dọa tiềm tàng với ảnh hưởng của EU.
Trong khi đó, Nga gọi cuộc khủng hoảng là hậu quả của các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm tăng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giá năng lượng tăng theo đường xoắn ốc.
Các quốc gia MENA, đặc biệt là Ai Cập và Lebanon, phụ thuộc nhiều vào lúa mì và phân bón từ Ukraina và Nga. Những nước này đã đối mặt với tình trạng giá tăng đột biến sau khi nguồn cung giảm khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina.
“Chúng tôi không thể chấp nhận rủi ro để mất khu vực" - một nhà ngoại giao Châu Âu khác nói.
Sáng kiến mới
Khối 27 thành viên cũng muốn thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu hụt và sẽ cùng với Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc sớm công bố các sáng kiến mới.
Pháp, nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU, đã thúc đẩy sáng kiến "FARM", bao gồm một cơ chế phân phối lương thực toàn cầu cho các quốc gia nghèo hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói với báo giới sau cuộc họp giữa các quan chức EU và các cơ quan thực phẩm của Liên Hợp Quốc tại Rome, Italia ngày 12.4 rằng, Pháp nhắm tới đảm bảo thỏa thuận quốc tế về sáng kiến này trước khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch EU vào tháng 6.
Hungary đã đề xuất thúc đẩy sản lượng nông nghiệp của EU bằng cách thay đổi các mục tiêu khí hậu của khối. Và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) xác nhận đang xem xét cơ sở tài trợ nhập khẩu lương thực.
Tuy nhiên, cơ quan đối ngoại của EU cho biết, hợp tác với Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu trong vấn đề mất an ninh lương thực toàn cầu là "thách thức" và EU đang thúc đẩy FAO hành động nhanh chóng, theo tài liệu của EU mà Reuters có được.
Trong danh sách khuyến nghị trên trang web của FAO, ông Qu Dongyu cho hay: "Các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm từ Nga và Ukraina nên tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế để chống lại cú sốc".
Hỗ trợ cụ thể
“Không phải các biện pháp trừng phạt đang tạo ra nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực trong tương lai" mà là việc Nga phát động chiến dịch ở Ukraina, theo Ngoại trưởng Pháp.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Châu Âu Josep Borrell cho biết, Nga tấn công các cảng và đánh bom các kho chứa lúa mì ở Ukraina dẫn tới khó khăn cho việc vận chuyển nông sản. Một số cơ sở lưu trữ nhiên liệu ở Ukraina cũng bị đánh bom. Trong khi các cơ sở lưu trữ lúa mì đã đầy, Ukraina không thể xuất khẩu vì thiếu nhiên liệu, các quan chức EU cho hay. Về phần mình, Nga cũng đã hạn chế xuất khẩu lúa mì.
Theo các quan chức, EU đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lương thực qua Ba Lan và hỗ trợ cung cấp nhiên liệu cho nông dân Ukraina để cải thiện tình hình.
EU cũng đang hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Tuần trước, EU thông báo viện trợ 225 triệu euro (244 triệu USD) cho Trung Đông và Bắc Phi. Gần một nửa trong số này sẽ được chuyển đến Ai Cập, trong khi Lebanon, Jordan, Tunisia, Morocco và Palestine sẽ nhận được quỹ khẩn cấp từ 15 đến 25 triệu euro (16,2 triệu đến 27,1 triệu USD) mỗi nước.
Theo các quan chức EU, thêm 300 triệu euro (324,8 triệu USD) hỗ trợ nông nghiệp khác sẽ được cung cấp cho các nước Tây Balkan như một phần trong nguồn vốn thường xuyên của EU cho khu vực.