Tìm hướng đi mới ở Châu Phi
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu chuyến công du 3 nước Châu Phi vào ngày 22.5. Theo AP, ông Scholz và Đức quan tâm tới dự án khai thác khí đốt lớn ở Senegal.
Senegal được cho là có các mỏ khí đốt quan trọng dọc biên giới của nước này với Mauritania vào thời điểm Đức và các nước Châu Âu đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt Nga.
"Chúng tôi đã bắt đầu trao đổi và sẽ tiếp tục những nỗ lực ở cấp chuyên gia vì mong muốn của chúng tôi là đạt được tiến triển" - ông Scholz nhấn mạnh trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Senegal Macky Sall.
Dự án khí đốt ngoài khơi Senegal hiện do BP - công ty dầu khí đa quốc gia có trụ sở ở London, Anh - dẫn dắt. Dự án này dự kiến có những sản phẩm đầu tiên vào năm sau.
Chuyến công du của ông Scholz là chuyến đi Châu Phi đầu tiên của ông kể từ khi lên làm thủ tướng Đức gần 6 tháng trước. Senegal và Nam Phi - hai nước Châu Phi trong chuyến thăm lần này của thủ tướng Đức - đã được mời dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức vào cuối tháng 6 tới.
Các nước tham dự thượng đỉnh G7 sẽ nỗ lực tìm lập trường chung trong vấn đề Nga. Các nhà lãnh đạo G7 cũng dự kiến giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Năm ngoái, một số nước G7, trong đó có Mỹ và Đức, ký kết với Nam Phi, thỏa thuận đối tác năng lượng nhằm giúp nước này giảm phụ thuộc vào than đá.
Thỏa thuận tương tự cũng đang trong quá trình thúc đẩy ký kết với Senegal. Đức đã hỗ trợ xây dựng trang trại điện mặt trời ở quốc gia Châu Phi này.
Các quan chức Đức cho hay, Thủ tướng Scholz cũng sẽ đến Niger trong chuyến công du lần này. Đầu tháng 5, chính phủ Đức ủng hộ kế hoạch chuyển hàng trăm binh sĩ Đức từ Mali tới Niger.
Nguồn LNG khiêm tốn từ Qatar
Nỗ lực của Đức nhằm đảm bảo thêm khí đốt từ Qatar chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn, ông lớn năng lượng Vùng Vịnh không thể cung cấp thêm khí đốt cho Đức trong 2 năm nữa vì đã hết công suất.
Qatar cho hay, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có thể được gửi đến Đức từ năm 2024 từ một nhà máy mới ở Mỹ mà nước này có cổ phần. Một dự án mở rộng tại Qatar sẽ không bắt đầu hoạt động ít nhất đến năm 2026, muộn hơn dự kiến.
Châu Âu đang chạy đua để tìm các giải pháp thay thế cho khí đốt Nga - nhà cung cấp lớn nhất của lục địa này - sau chiến sự Nga - Ukraina. Nhập khẩu LNG từ Qatar và Mỹ, những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, là một phần quan trọng của giải pháp đó.
“Bất cứ thứ gì chúng tôi có thể cung cấp cho an ninh năng lượng ở Châu Âu, ngay cả trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng mình có thể cung cấp” - Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani nói trong cuộc họp báo ở Berlin cuối tuần trước khi gặp các quan chức chính phủ Đức.

Tiểu vương Qatar và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã ký một văn bản nhất trí hợp tác về năng lượng. Berlin và Doha đang đàm phán một thỏa thuận cung cấp dài hạn LNG từ Qatar.
Tuy nhiên, vì Qatar đã sản xuất cao hơn công suất đầu ra của nước này và đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ không phá vỡ hợp đồng với khách mua ở Châu Á nên Qatar có rất ít phương án để giúp Đức đạt mục tiêu ngừng nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2024. Dù Đức đã cắt giảm phụ thuộc nhưng Nga vẫn cung cấp 35% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này.
Qatar đã đề nghị cung cấp các lô hàng từ Golden Pass - nhà máy hóa lỏng mới thuộc sở hữu của Qatar Energy và Exxon Mobil Corp - để làm nguồn cung khí đốt ngay.
“Chúng tôi đặt mục tiêu nhà máy LNG Golden Pass ở Texas, với 70% nhà máy thuộc sở hữu của Qatar Energy, sẵn sàng vào năm 2024 để chúng tôi có thể giao hàng cho Đức” - Phó Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói với báo Handelsblatt.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa hai bên về các điều khoản, nguồn tin nắm rõ thảo luận tiết lộ với Bloomberg. Các công ty Đức không muốn cam kết mua LNG trong vòng 20 năm trở lên vì mục tiêu của đất nước là cắt giảm 88% lượng khí thải carbon vào năm 2040.
Để giải quyết vấn đề, Đức nêu ra ý tưởng Qatar có thể bán đấu giá quyền với các thỏa thuận có thời hạn khác nhau. Điều này có thể cho phép các công ty Đức đấu thầu các hợp đồng ngắn hạn hơn trong khi các nhà nhập khẩu từ nơi khác có thể đấu thầu các hợp đồng dài hơn. Qatar thường đàm phán các thỏa thuận cung cấp dài hạn với người mua trên cơ sở song phương.
Trong cuộc họp báo ngày 20.5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ra tín hiệu là Qatar sẵn sàng nới lỏng các điều khoản nghiêm ngặt về điểm đến vốn ngăn Berlin định tuyến lại khí đốt Qatar từ các kho nhập khẩu của Đức đến các địa điểm khác ở Châu Âu.
“Có một số quốc gia ở Châu Âu không tiếp cận được đường bờ biển và muốn đa dạng hóa nguồn cung khí đốt thông qua các cảng phía bắc nước Đức và ở đây Qatar đang đóng một vai trò tốt” - ông Scholz nói.
Thủ tướng Đức thông tin thêm, hai bên đều công nhận dự án Golden Pass sẽ có chiều xuyên biên giới ở Châu Âu. Ông Scholz đã cam kết giúp các nước Đông Âu như Cộng hòa Czech và Slovakia vốn phụ thuộc vào khí đốt Nga nhưng không có kho. Đức đã xúc tiến các kế hoạch xây dựng 2 kho khẩu LNG tại Brunsbuttel và Wilhelmshaven.