Tờ báo trích dẫn một dự báo nội bộ được cho là của Bộ Quốc phòng Đức, tuyên bố rằng các mục tiêu của Nga có thể bao gồm từ việc chiếm giữ toàn bộ khu vực Donbass cho đến kiểm soát toàn bộ Ukraina.
Trong bài báo ngày 23.12, tờ Neue Zuercher Zeitung cáo buộc rằng Mátxcơva quyết tâm tiếp tục chiến dịch quân sự ở láng giềng vào năm 2023 và năm 2024.
Theo tờ báo, dự báo này được các nhà phân tích và sĩ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Đức đưa ra trong báo cáo nội bộ, được cho là có tiêu đề “Các lựa chọn hành động chiến lược quân sự của Nga trong cuộc chiến Ukraina năm 2023”.
Theo Neue Zuercher Zeitung, dự báo đưa ra hai kịch bản.
Kịch bản một dự đoán Nga có thể tập trung vào việc chinh phục toàn bộ khu vực Donbass. Cuộc tấn công dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 4 năm 2023, với việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đồng thời triển khai quân đội của mình gần biên giới phía bắc của Ukraina - tờ báo cho biết.
Mặc dù các lực lượng của Minsk khó có thể thực sự tiến vào Ukraina, nhưng theo bài báo, cuộc triển khai này sẽ đảm bảo rằng Kiev sẽ không thể sử dụng toàn bộ quân đội của mình để chống lại cuộc tấn công của Nga ở Donbass.
Tờ báo viết tiếp, nếu kế hoạch của Nga thành công, Điện Kremlin dự định xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố trong khu vực. Điều này có nghĩa là bất kỳ nỗ lực nào của Ukraina nhằm chiếm lại Donbass sẽ dẫn đến tổn thất nặng nề cho Kiev.
Theo tờ báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đồng thời đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình với nước láng giềng, tích cực gửi tín hiệu tới cộng đồng quốc tế và giới truyền thông rằng Mátxcơva sẵn sàng cho cuộc đối thoại như vậy - điều có lẽ sẽ giúp làm xói mòn sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev.
Kịch bản thứ hai - ít có khả năng xảy ra hơn như tờ báo Thụy Sĩ tuyên bố - dự đoán các kế hoạch tham vọng hơn nhiều từ phía Điện Kremlin: Kiểm soát toàn bộ Ukraina. Theo dự báo được cho là của quân đội Đức, lực lượng Nga sẽ tấn công ở phía nam từ Donbass, trong khi có tới 70.000 quân Belarus sẽ vượt qua biên giới Ukraina ở phía bắc và tiến vào Kiev.
Quân đội Nga được cho là nhằm mục đích bảo vệ biên giới của Ukraina với Ba Lan để ngăn chặn dòng vũ khí phương Tây vào nước này và nắm quyền kiểm soát khu vực Transnistria ly khai của Moldova.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Nga sẽ cần tuyên bố tổng động viên. Tuy nhiên, điều đó “khá khó xảy ra, vì những lý do chính trị nội bộ” - theo dự đoán của các nhà phân tích quân sự Đức được tờ Neue Zuercher Zeitung trích dẫn.
Dự báo của Đức cho rằng, bất kể lựa chọn theo đuổi kịch bản nào, Nga sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraina nhằm “làm hao mòn ý chí phản kháng của người dân Ukraina” và “thúc đẩy thêm dòng người di cư đến EU”.
Trong khi đó, ngày 22.12, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga muốn chấm dứt xung đột ở Ukraina và điều này chắc chắn sẽ liên quan đến một giải pháp ngoại giao.
"Mục tiêu của chúng tôi không phải là quay bánh đà của xung đột quân sự, mà ngược lại, là chấm dứt cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ nỗ lực kết thúc xung đột và tất nhiên là càng sớm càng tốt" - Reuters dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga liên tục khẳng định sẵn sàng đàm phán trong bối cảnh xung đột đã kéo dài 10 tháng, bắt đầu từ 24.2.
"Tôi đã nói nhiều lần: Việc tăng cường chiến sự dẫn đến những tổn thất phi lý" - ông Putin chia sẻ với báo giới.
"Bằng cách này hay cách khác, tất cả các cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc với một số cuộc đàm phán ngoại giao. Sớm muộn gì bất kỳ bên nào trong tình trạng xung đột cũng sẽ ngồi lại và thỏa thuận. Đối phương của chúng tôi nhận ra điều này càng sớm thì càng tốt. Chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ đàm phán" - Tổng thống Putin nhấn mạnh.