ĐBSCL căng mình đón bão

TRẦN LƯU - NHẬT HỒ |

Dù dự báo sáng 26.12 cơn bão Tembin mới vào đất liền vùng Tây Nam Bộ, nhưng từ 3 ngày trước chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gác qua những việc ít quan trọng để tập trung ứng phó với bão. Những thiệt hại khủng khiếp của cơn bão Linda 1997 (bão số 5) vẫn chưa nguôi, người dân đồng bằng không được lơ là, thiếu cảnh giác!

Tập trung bảo vệ tài sản

Dự báo bão sẽ vào đúng Cà Mau, vì vậy tỉnh này làm mọi việc có thể để ứng phó. Ông Nguyễn Long Hoai - Chánh VP Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau - cho biết, tính đến ngày 24.12, toàn tỉnh có 8.114/17.401 căn nhà đã triển khai chằng chống.

Tàu, thuyền đánh cá neo đậu tránh bão ở Trà Vinh.
Tàu, thuyền đánh cá neo đậu tránh bão ở Trà Vinh.

Theo BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, đến 6h 24.12, còn 595 phương tiện của địa phương đang hoạt động trên biển với 178 tàu đang hoạt động xa bờ. Đơn vị đã cử 50 cán bộ, chiến sĩ xuống tận nhà dân để liên lạc với tàu. Sau khi nắm được vị trí của từng tàu sẽ hướng dẫn người dân vào những khu tránh trú bão an toàn. Liên quan đến công tác cứu hộ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các địa phương phải kiểm tra ngay các tuyến giao thông; nhất là cây xanh dọc theo đường, theo dây điện. Các nhà mạng cũng phải kiểm tra các trang thiết bị, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt khi có bão. Các đơn vị: Biên phòng, Công an và Tỉnh đội phải kiểm tra thiết bị đã được cấp phục vụ cho hoạt động cứu hộ và các chiến sĩ phải ứng trực, sẵn sàng phục vụ. Đồng thời, buộc các tàu, thuyền vào nơi quy định và neo buộc. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình chỉ đạo, tất cả nhà dân phải được chằng chống, tăng cường cấp độ bảo vệ càng cao càng tốt.

Sáng 24.12, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đã khảo sát và kiểm tra thực tế tại các địa phương ven biển, đặc biệt là các tuyến đê xung yếu tại huyện Duyên Hải. Thời điểm này, công tác chuẩn bị ứng phó bão được đảm bảo tốt, các lực lượng được bố trí trực 24/24; các phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, sơ tán dân cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng… Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm đã ký công điện hỏa tốc gửi các địa phương chỉ đạo rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động khai thác trên biển và khu vực nguy cơ sạt lở mạnh, ảnh hưởng triều cường. 

Tỉnh Kiên Giang đã cấm các tàu, thuyền đánh bắt và các phương tiện hàng hải hoạt động trên biển kể từ chiều 23.12. Tại huyện đảo Phú Quốc, tổng số tàu đánh cá trên vùng biển này khoảng 2.600 tàu. Đa số các tàu cá đã vào nơi trú ẩn an toàn, địa phương tiếp tục khẩn trương thông báo cho các tàu còn lại vào bờ, tránh bão. Ông Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho biết, buổi sáng huyện đã thực hiện nhiều công tác ứng phó với bão Tembin, trong đó đã cấm tất cả tàu, thuyền ra khơi và cho học sinh (HS) nghỉ học từ ngày 25.12 cho đến khi hết bão...

Còn tại Bến Tre, ngày 24.12 tỉnh này cũng đã cấm tàu, thuyền ra khơi từ 8h. Ước tính Bến Tre có 2.300 tàu, thuyền với hơn 12.400 ngư dân. Trong ngày 24.12, tỉnh Bến Tre đang gấp rút chuẩn bị sơ tán dân, kêu gọi tàu đánh cá vào bờ, chằng chống lại nhà cửa… Theo UBND huyện Bình Đại, toàn huyện có 1.144 tàu đánh bắt thủy sản và 26 tàu ngoài tỉnh.

Ngày 24.12 đã có 825 tàu đang neo đậu ở nơi trú bão, 345 phương tiện đang trên đường vào bờ hoặc tránh trú bão tại các địa phương khác. Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết: Địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, nóng nhất là tuyên truyền để người dân biết thông tin về cơn bão nguy hiểm nhằm có giải pháp chằng chống nhà cửa, bảo vệ tính mạng của chính mình; tiếp tục thống kê tàu, thuyền đang neo đậu và sắp xếp nơi neo đậu an toàn. 

Bảo vệ tính mạng người dân

Từ 4h ngày 25.12, TP.Bạc Liêu bắt đầu thực hiện việc di dân và kéo dài cho đến trước 12h cùng ngày. Theo kế hoạch, thành phố sẽ có trên 6.000 người dân sống ven biển di dời vào nơi an toàn. Ông Lưu Hoàng Ly - Chủ tịch UBND TP.Bạc Liêu - cho biết, địa điểm di dời dân là những trường học, nơi an toàn trong các phường của thành phố. Lực lượng tình nguyện viên bố trí an toàn tuyệt đối cho người dân. Nếu sau 12h, người dân còn ở khu vực ven biển sẽ bị cưỡng chế di dời vào những địa điểm đã định. Có 25 địa điểm TP.Bạc Liêu bố trí cho người dân vào trú tránh an toàn. Theo thống kê, Cà Mau có 87.964 người thuộc diện phải di dời, sơ tán. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các đơn vị chức năng phải thông báo ngay đến người dân - nhất là vùng ven biển - để người già, người bệnh, tài sản quan trọng được di dời sớm đến nơi an toàn.

Bạc Liêu tổ chức sơ tán dân sáng 25.12.
Bạc Liêu tổ chức sơ tán dân sáng 25.12.

Bến Tre quyết liệt di dời, nếu cần sẽ cưỡng chế để đảm bảo tính mạng của người dân. Dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời khoảng 20.000 người; trong đó tập trung ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật… và sẽ hoàn thành trước 12h ngày 25.12. UBND tỉnh Kiên Giang thống kê có khoảng 300.000 hộ dân cần di dời đến nơi an toàn. Trà Vinh kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm; trong đó đặc biệt đối với các xã cù lao Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành); An Phú Tân (huyện Cầu Kè), Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa (TX.Duyên Hải)... Bên cạnh đó, tổng rà soát các phương án, kịch bản ứng phó trong các tinh huống xấu nhất có thể xảy ra; hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó hiệu quả với bão số 16...

Nghỉ học 2 ngày

Tại Kiên Giang, để ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của bão số 16, Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học và THCS cho HS nghỉ học. Trước mắt cho HS nghỉ từ thứ hai (25.12). Hiện thông tin về việc nghỉ học đã được thông báo cho phụ huynh qua tin nhắn và thông báo thường xuyên trên hệ thống đài truyền hình tỉnh, đài truyền thanh huyện, thị và các xã. Riêng đối với các địa phương vùng đảo, ven biển, ngành GDĐT đã chỉ đạo nhà trường tổ chức trực ban, khẩn trương chằng chống trường học. Sáng 24.12, Bạc Liêu họp khẩn về công tác ứng phó với bão 16 có khả năng vào Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Các sở, ngành, địa phương đã triển khai công tác ứng phó bão số 16 ngay tại đơn vị. Sở GDĐT đã chính thức phát đi thông báo cho HS các cấp nghỉ học vào 2 ngày 25 và 26.12. Bạc Liêu cũng chính thức đề nghị sơ tán dân vùng ven biển vào nơi an toàn. 

Trao đổi với PV Lao Động, ông Kim Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh - xác nhận: Vừa ra thông báo cho toàn bộ HS trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong 2 ngày (25 và 26.12 - tức thứ hai và thứ ba tới) nhằm ứng phó với bão Tembin. HS tỉnh Bến Tre cũng được thông báo nghỉ học trong 2 ngày 25 - 26.12 đề phòng bão đổ bộ.

Tại tỉnh Cà Mau, ngoài việc cho HS nghỉ học tránh bão, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo ngành y tế tăng cường trực từ y - bác sĩ và điều dưỡng đến thuốc men; phải có tổ cơ động ứng cứu và phải chuẩn bị hóa chất xử lý môi trường; phải đảm bảo thuốc, hóa chất… Tất cả các cơ quan phải có người túc trực 24/24. Đối với thông tin liên lạc, sử dụng tất cả các phương tiện tuỳ theo từng tình huống. Tất cả các lực lượng công an, bộ đội… phải đảm bảo an ninh tuyêt đối, quản lý chặt chẽ thị trường; nhất là các hàng hóa thiết yếu;…

Với những gì đã làm, chính quyền và người dân vùng ĐBSCL chứng tỏ đã biết đối phó với bão. Hậu quả của bão Tembin (nếu có) chắc chắn sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với đã từng xảy ra với cơn bão Linda! 

TRẦN LƯU - NHẬT HỒ
TIN LIÊN QUAN

Những người lính canh giữ mùa xuân biển cả

Tạ Quang |

Kiên Giang - Trong những ngày Tết, khi người dân được vui vầy sum họp bên gia đình thì những cán bộ, chiến sĩ, tàu cảnh sát biển 9003, Hải đội 401-Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lại lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người Việt chi hàng trăm triệu đồng nuôi mèo quý tộc

ANH HUY |

Mặc dù có giá lên tới hàng trăm triệu đồng song những con mèo quý tộc có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn được giới sành chơi Việt săn đón, đặc biệt là trong năm Quý Mão 2023.

Bức xúc vì phí cao tốc tăng sau khi thuế VAT về mức cũ 10%

An Trịnh |

Sau khi thuế giá trị gia tăng (VAT) được điều chỉnh quay về mốc cũ 10%, phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai không về lại mức cũ mà tăng cao.

Bóng đá Việt Nam 2022: Vui, buồn lẫn lộn

TAM NGUYÊN |

Bóng đá Việt Nam năm 2022 nhiều tin vui nhưng cũng không ít chuyện buồn…

Dù ở đâu, người Việt đều hướng về Tết cổ truyền

PHÙNG LINH |

Nhiều người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài háo hức về quê sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh hoặc nhiều lý do khác. Còn những người ở lại, họ cũng tự tìm cho mình những niềm vui riêng để vơi đi nỗi nhớ nhà trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Kỹ sư IT bỏ phố về quê, khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau hộ

Tường Minh - Văn Trực |

Đang làm kỹ sư IT (công nghệ thông tin) ở Hồ Chí Minh, bất ngờ anh Nguyễn Tấn Phương lại quyết định trở về huyện Hòa Vang, Đà Nẵng để khởi nghiệp với mô hình trồng rau thông minh 4.0.

Khán giả mong chờ Cô Đẩu tái xuất Táo Quân 2023

Nhóm PV |

Suốt 20 năm qua, chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Việt Nam mỗi đêm 30 Tết. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ngắn về những kỉ niệm với Táo Quân của người dân.

Nga chỉ ra thời điểm xung đột Ukraina có thể kết thúc

Ngọc Vân |

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trả lời câu hỏi liệu xung đột Ukraina có thể kết thúc trong năm 2023 hay không.