GM

Tháng 3 rưng rưng thương nhớ

Linh Phạm |

Ngày 14.3.1988, những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa thân yêu của tổ quốc. Nước mắt của những người mẹ, người vợ đã rơi xuống trong xót đau và căm phẫn.

27 năm sau, những giọt nước mắt ngày đó vẫn còn lăn mãi. Khi gỡ xuống những tờ lịch đầu tiên của tháng 3, nỗi thương nhớ khắc khoải lại ùa về, ký ức rưng rưng sống dậy, họ đếm từng ngày đến ngày giỗ chung của 64 người lính, run run chạm lại vết thương lòng…

Chúng tôi đến thăm thân nhân những liệt sĩ Trường Sa ở tỉnh Khánh Hòa trong những ngày chuẩn bị cho lễ đặt viên đá đầu tiên của đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động gây quỹ. Công trình như một sự tri ân đến các anh, như một chút bù đắp dẫu muộn màng cho những người ở lại, để an ủi hương hồn các anh, những người đã hòa vào máu xương tổ quốc.

Khắc khoải nhớ con

Căn nhà tình nghĩa của ông Võ Ta (SN 1931) và bà Phan Thị Đay (1935) nằm trong một con ngõ nhỏ yên bình ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa được xây lên trên mảnh vườn ghi dấu tuổi thơ của liệt sĩ Võ Đình Tuấn. Ở tuổi gần đất xa trời, đôi mắt mờ đục của ông Ta và má Đay như sáng lên khi nhắc đến người con trai họ rứt ruột sinh ra. 

Bà Phan Thị Đay, mẹ liệt sỹ Võ Đình Tuấn 

Ngày 15.3.1988, một người hàng xóm hớt hải chạy qua báo hung tin anh Tuấn đã hy sinh. Ông Ta không tin vào tai mình, vội vàng chạy ra thị xã Ninh Hòa để hỏi han tin tức, khi nghe tên con trên loa phát thanh, ông Ta ngất lịm người, ngã quỵ xuống. Ông Ta nhớ lại, đó là ngày 27 tháng giêng năm Mậu Thìn, cứ đến ngày này, vợ chồng ông cùng các con, các cháu lại quây quần nhắc kỷ niệm về anh. 

“Thằng Tuấn nó ngoan, học giỏi nhất nhà mà số nó khổ từ nhỏ con à”, bà Đay rưng rưng kể. Ông Ta bảo “Tuấn nó biết sống, biết quan tâm đến mọi người lắm. Nhớ đợt cuối nó về thăm nhà mua cho má đôi dép, mua cho thằng Dũng một quần, con Phương một cái áo. Nó dặn mấy em đừng tranh nhau, để đợt sau về anh mua thêm cho đủ một bộ”. Nhưng lời hứa ấy đã không bao giờ được thực hiện nữa, anh Tuấn ra đi khi mới ngoài hai mươi tuổi, chưa kịp viết trọn một mối tình…

“Em sẽ ở vậy nuôi con”

Đó là tâm nguyện của chị Đỗ Thu Hà (48 tuổi, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) tự hứa với lòng mình khi liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (SN 1964, quê Ninh Bình) hy sinh. Ngày 14.3, ngày ghi dấu nỗi đau của dân tộc cũng là ngày chị Hà bắt đầu chuỗi ngày cơ cực, kham khổ nuôi con khôn lớn. Bây giờ, nỗi vất vả đã vơi đi nhưng ký ức về anh chị vẫn còn đầy đặn, tươi nguyên.

Chị Đỗ Thu Hà, vợ liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh và bức ảnh cưới màu đen trắng của hai vợ chồng 

Anh Doanh gặp chị khi vào Lữ đoàn 146 (Hải quân Vùng 4) được 2 năm. “Hồi đó thấy thương là cưới, trong tay không có gì, cưới nhau xong không có tiền đưa cô dâu về miền Bắc”, chị Hà bồi hồi nhớ lại. Sinh con gái được 13 tháng, hai vợ chồng tích cóp được một ít, định bụng sẽ về quê anh một chuyến. “Thế rồi anh nhận lệnh ra Trường Sa, anh vỗ vai tôi dặn dò, sang nhà má gửi gắm. Anh nói anh đi lần này chưa biết bao giờ về, có chuyện gì cứ nhờ các dì, các cậu. Rồi anh đi mãi. Ngày truy điệu anh tôi không dự được vì đang ở miền Bắc với nhà chồng”.

20 tuổi mất chồng, chị Hà sáng phụ hồ, chiều gánh muối thuê, chắt bóp từng đồng nuôi con gái Đinh Thị Mỹ Lệ lớn lên. Có người bảo chị đi bước nữa, nhưng vì lời hứa với chồng, vì con chị đành hy sinh hạnh phúc riêng mình. Giọt máu của anh được chị nâng niu, Lệ lớn lên mang khuôn mặt, hình hài giống bố như khuôn đúc, giống cả tính cách lạc quan, yêu đời. Như một sự bù đắp cho mẹ, Lệ học hành giỏi giang, cô thi đậu Đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và xin làm kế toán cho một Cty dược. 

Từ một mối lương duyên tình cờ, cô hiện đang làm kế toán cho Báo Lao Động tại TP. Hồ Chí Minh. Khi hay tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động Quỹ xây đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, Lệ vui mừng gọi về cho mẹ. Nhìn mô hình đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma trên báo Lao Động Xuân Ất Mùi do Lê mang về, chị Hà xúc động: “Anh Doanh hy sinh trên tàu, giờ không tìm thấy xác, bây giờ có nơi để thắp nén hương cho anh chung với đồng đội, hương hồn anh cũng được an ủi phần nào”.

Tháng 3 rồi, con nhớ ba quá ba ơi!

Khi liệt sĩ Trần Văn Phương, người quyết giành lá cờ tổ quốc trước sự hung hãn của quân Trung Quốc xâm lược hy sinh dưới lưỡi lê và nòng súng của giặc, Trần Thị Thủy, con gái anh mới hoài thai trong bụng mẹ một tháng. 27 năm sau, cô là thiếu úy của Lữ đoàn 146. Theo lời kể của bà Mai Thị Hoa - mẹ Thủy, sau khi về sum họp cùng gia đình vui tết, mùa xuân năm 1988, chồng bà lên đường làm nhiệm vụ, ông gửi về một lá thư tay dặn dò vợ giữ sức khỏe. 

 Tổng LĐLĐVN, Quỹ TLV Lao Động và CĐ Giao thông vận tải VN tặng chị Thủy 60 triệu đồng xây dựng mái ấm 

Sau tết, ông nhận lệnh ra đảo nhưng trên đường đi, một cơn bão bất ngờ ập đến ngăn cản khiến tàu phải quay về. Lần sau đó, ông viết một lá thư khác về cho vợ, “anh đi lần này không biết ngày về”. Khi bà Hoa nhận được những dòng thư đầy dự cảm không lành này cũng là lúc đài phát thanh báo tin liệt sĩ Trần Văn Phương đã hy sinh…

Trong những ngày mẹ giá nuôi con côi, bà Hoa luôn dặn con phải tự hào vì cha đã hy sinh cho đất nước, những mất mát không khiến hai mẹ con suy sụp mà phải sống mạnh mẽ hơn. “Từ nhỏ, tôi đã nuôi tâm nguyện được vào hải quân để tiếp bước cha. Bây giờ ước mơ ấy đã thành hiện thực, tôi phải sống xứng đáng với sự hy sinh của cha mình”, Thủy nói giữa những nén hương trầm thơm thảo. “Tháng 3 rồi, con nhớ ba quá ba ơi”.


 

Linh Phạm
TIN LIÊN QUAN

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.