Làm 2 sổ tiết kiệm để lấy lãi suất cao
Khảo sát của báo Lao Động tại một số ngân hàng, hiện lãi suất cao nhất được niêm yết công khai trên website hay trên giấy tại quầy giao dịch là 9,5%/năm. Tuy nhiên, một số ngân hàng có chiêu thức để huy động lãi suất cao hơn lên tới 10%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Nhân viên ngân hàng VietCapitalBank (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết lãi suất hiện nay áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng lên tới 9,8%, đối với kỳ hạn 13 tháng lãi suất là 10%.
“Điều kiện là khách hàng cần mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng VietCapital Bank. Với hình thức mới khách hàng cần mở 2 sổ tiết kiệm, trong đó có 1 sổ gốc và 1 sổ lãi. Ví dụ nếu khách gửi 400 triệu đồng sẽ được đưa vào 1 sổ tiết kiệm. Số tiền lãi của 400 triệu đồng là 40 triệu đồng sẽ được ngân hàng trả trước, nhưng khách không được cầm 40 triệu về nhà mà bắt buộc phải gửi lại ở ngân hàng và cho vào 1 sổ tiết kiệm khác. Đây là một hình thức chưa đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước để trên sổ chỉ ghi lãi suất 9%. Hai sổ có cùng lãi suất và cùng ngày đến hạn. Đến ngày tất toán, khách hàng chỉ cần mang cả hai sổ ra”.
Khi khách hàng thể hiện băn khoăn nếu đến thời điểm tất toán, số tiền lãi nhận được không phải là 10% như quảng cáo, nhân viên ngân hàng giải thích: “Anh yên tâm, giờ anh chỉ cần quan tâm cuối kỳ lĩnh được bao nhiêu tiền. Em sẽ in sẵn phiếu trong đó số tiền lãi khi tất toán sẽ thể hiện rõ. Mặc dù lãi trên sổ ghi là 9%/năm nhưng thực tế lãi thu về là 9,8% cho kỳ hạn 12 tháng và 10% cho kỳ hạn 13 tháng”.
Trước đó, vào thời điểm ngay sau Tết Nguyên Đán, nhiều khách hàng có tiền đã “rỉ tai” nhau về các “mối quen” trong ngân hàng để mặc cả được mức lãi suất cao hơn lãi suất niêm yết công khai tại quầy giao dịch. Lúc đó khi lãi suất cao nhất trên thị trường chỉ khoảng 9,5%/năm thì đã có ngân hàng sẵn sàng chào mời lãi lên tới trên 11%/năm với điều kiện khách hàng mua kèm gói bảo hiểm và để một khoản tiền vào tài khoản số đẹp trong thời gian 6 tháng và cam kết không rút.
Ngành ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất
Trước đó, ngày 6.3, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo báo chí cho biết các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi: Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước Nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27.2.2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27.2.2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
“Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2.2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Từ ngày 6.3.2023, BAC A BANK giảm lãi suất từ 0,2% - 0,5% ở các kỳ hạn.
Tại BaoVietBank, lãi suất huy động ở kỳ hạn 6 tháng lãi suất huy động giảm từ 9,3% xuống 8,8%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 9,5% xuống 9%. Kỳ hạn 24 tháng lãi suất giữ nguyên không đổi ở mức 9%.
Tại GPBank, lãi suất giảm khá sâu sau thời gian dài niêm yết công khai bảng lãi suất cao nhất lên tới 10%/năm thì nay mức lãi suất cao nhất niêm yết tụt xuống 8,45%.
Từ ngày 4.3, NamABank cũng tụt sâu lãi suất đến 0,6% ở một số kỳ hạn.
Từ 1.3.2023, OCB giảm 0,5% lãi suất tại một số kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng lãi suất huy động giảm từ 9% xuống 8,5%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động giảm từ 9,3% xuống 8,8%.
Tại PVcomBank, lãi suất các kỳ hạn từ 9,5% đồng loạt tụt xuống còn 8,4% ở kỳ hạn 6 tháng, 8,9% ở kỳ hạn 12 tháng và 9,2% ở kỳ hạn 24 tháng.