Chênh lệch mua - bán vàng quá cao
Trao đổi với PV Lao Động về chênh lệch giá mua - bán vàng trong nước thời gian gần đây, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng, việc các đơn vị kinh doanh vàng nới rộng chênh lệch mua - bán để an toàn cho họ trong bối cảnh giá biến động mạnh.
"Điều này phụ thuộc vào các đơn vị kinh doanh vàng. Trước đây chỉ chênh lệch khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/lượng, nhưng hiện nay mức chênh này có thể lên tới 2,5 triệu đồng/lượng".
Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế đánh giá, mức chênh lệch giá mua - bán ở ngưỡng 2 - 3 triệu đồng là quá cao.
"Người mua ở thời điểm này có rủi ro thua lỗ rất cao. Mức chênh lệch lý tưởng giữa giá mua - bán chỉ khoảng 300.000-500.000 đồng/lượng là vừa phải với nhà đầu tư" - ông Hiếu nói.
Thấy gì về diễn biến giá vàng gần đây?
Giá vàng thế giới nhiều thời điểm tăng bất thường, bất chấp các yếu tố tác động khác trước tiếp. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đà tăng suốt thời gian qua chủ yếu do yếu tố tâm lý:
"Đồng USD lên giá thì không có lý do gì vàng tăng. Giá trị USD tăng thì vàng phải giảm. Nếu nói giá vàng tăng cao vì xung đột địa chính trị thì đã diễn ra một số năm gần đây rồi. Còn khi nói vàng tăng vì nhu cầu mua dự trữ của các ngân hàng trung ương tôi cho rằng cũng không đúng. Ba tháng đầu năm nay lượng vàng các ngân hàng trung ương mua vào chỉ bằng 40% lượng vàng 3 tháng đầu năm 2023. Rõ ràng, họ mua ít hơn.
Còn nói lý do vàng tăng vì lượng vàng tiêu thụ của Ấn Độ và Trung Quốc tăng lên thì thực tế chỉ tăng mấy %. Vậy thì điều gì làm vàng tăng giá? Đó là việc nhà đầu tư kỳ vọng rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED sẽ hạ lãi suất và đồng USD sẽ xuống giá. Tôi cho rằng thời điểm hiện tại khó dự báo giá vàng".
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước đi theo xu hướng giá vàng thế giới. Chuyên gia này khẳng định, thời gian qua giá vàng thế giới đã có những phiên giao dịch giảm mạnh khi căng thẳng địa chính trị tương đối lắng dịu.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Căng thẳng ở Trung Đông có thể leo thang bất cứ lúc nào, tôi chưa nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Bên cạnh đó FED chưa đưa ra một lộ trình hạ lãi suất cụ thể nào nhưng những tháng cuối năm. Nếu FED cảm thấy kiểm soát lạm phát tốt thì họ sẽ hạ lãi suất. Khi đó giá trị đồng USD sẽ giảm, đẩy giá vàng tăng. Khi giá vàng thế giới tăng cũng sẽ kéo theo giá vàng trong nước".
Bên cạnh yếu tố về tâm lý, ông Thịnh đánh giá các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, dẫn đến việc dòng tiền đổ nhiều về vàng: "Thị trường chứng khoán mất điểm nhiều, bất động sản trầm lắng, lãi suất ngày càng giảm, thị trường hối đoái biến động. Chính vì vậy thị trường vàng vẫn sẽ sôi động" - ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh: "Không bao giờ đầu tư vàng lướt sóng vì điều đó rất nguy hiểm. Chúng ta không biết giá vàng sẽ biến thiên như thế nào. Và không được đi vay tiền để đầu tư vào vàng trong bối cảnh giá vàng hiện nay".
Cập nhật giá vàng
Trong nước giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 82,6-84,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong thời gian nghỉ lễ, giá vàng được DOJI giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại DOJI ở mức 2,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 82,65-84,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC ở ngưỡng 2,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 74,8-76,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 74,58-76,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá nhẫn tròn trơn 9999 ở ngưỡng 73,8-75,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco lúc 14h ở mức 2.329,9 USD/ounce.
Thông thường, giá vàng trong nước sẽ biến động cùng hướng với giá vàng thế giới. Vì vậy, nhà đầu tư có thể theo dõi diễn biến giá vàng thế giới để nắm được hướng đi giá vàng trong nước sau nghỉ lễ.