Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, nổi bật là đà tăng chậm lại trên thị trường lao động Mỹ đang làm tăng kỳ vọng của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ hạ lãi suất vào tháng 9.
Theo Công cụ FedWatch của CME, thị trường thấy có gần 80% khả năng lãi suất sẽ được cắt giảm sau kỳ nghỉ hè.
Kỳ vọng ngày càng tăng về sự khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng lãi suất mới đã đẩy chỉ số đồng USD xuống mức thấp nhất trong ba tuần và lợi suất trái phiếu lên mức cao nhất trong bốn tuần, điều này đang tạo động lực cho vàng khi giá giao dịch ở mức cao nhất trong bốn tuần.
Ghi nhận lúc 10h30 ngày 6.7, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở ngưỡng 104,540 điểm (giảm 0,51%).
Không chỉ có vàng, giá bạc cũng đã tăng vọt lên trên 31 USD/ounce và cũng đang giao dịch ở mức cao nhất trong bốn tuần.
Giá vàng tương lai tháng 8 được giao dịch lần cuối ở mức 2.399,60 USD/unce, tăng hơn 1% trong ngày và tăng hơn 2,5% kể từ thứ sáu tuần trước. Giá bạc tương lai tháng 9 được giao dịch lần cuối ở mức 31.685 USD/ ounce, tăng 2,7% trong ngày và tăng hơn 7% trong tuần.
Động lực mới nhất của kim loại quý xuất hiện sau dữ liệu việc làm đáng thất vọng của tháng 6 của Mỹ. Thứ sáu, Cục Thống kê Lao động cho biết nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 206.000 việc làm vào tháng trước, vượt qua kỳ vọng. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4,1%, so với mức 4,0% của tháng 5.
Báo cáo cũng điều chỉnh số lượng việc làm trong tháng 4 và tháng 5 thấp hơn 100.000 việc làm.
Ricardo Evangelista - nhà phân tích kỹ thuật tại ActivTrades, cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu giá vàng tăng lên 2.400 USD/ounce vào tuần tới.
“Như dự đoán, dữ liệu việc làm của Mỹ công bố đã xác nhận rằng thị trường lao động nước này tiếp tục hạ nhiệt, mặc dù không rõ rệt, nhưng vẫn đủ để ủng hộ quan điểm ôn hòa của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)” - ông cho biết trong một bình luận gửi đến Kitco News.
“Trong nửa đầu năm, khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã tạo ra khoảng trống để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn, vì vậy các dấu hiệu hạ nhiệt có thể sẽ khiến đồng USD yếu hơn, cũng như lợi suất trái phiếu kho bạc thấp hơn, trong một động thái hỗ trợ giá vàng miếng" - chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó Ole Hansen - trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank cho biết, có thể còn hơi sớm để kết thúc giai đoạn củng cố của vàng, nhưng ông vẫn lạc quan rằng giá vàng sẽ tăng cao hơn.
Với nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, rủi ro lớn nhất đối với thị trường vàng vẫn là lạm phát, đây sẽ là dữ liệu quan trọng trong tuần tới. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lưu ý rằng ngay cả rủi ro này cũng bị hạn chế vì tăng trưởng chậm hơn sẽ dẫn đến giảm bớt áp lực giá.
Jonathan Petersen - chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao tại Capital Economics cho biết trong một lưu ý vào thứ Sáu rằng, ông dự đoán đồng USD suy yếu hơn nữa khi áp lực lạm phát bắt đầu giảm bớt. Môi trường này có thể tiếp tục hỗ trợ giá vàng.
“Dữ liệu lạm phát tuần tới từ Mỹ có khả năng củng cố rằng việc tăng lãi suất từ FED đã không còn nữa và đây không còn là rủi ro tăng giá của đồng USD. Nền kinh tế suy yếu đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc xuống thấp hơn cả kỳ vọng của chúng tôi” - Peterson viết.
Đồng quan điểm các nhà kinh tế tại TD Securities cũng không cho rằng lạm phát ngăn cản Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
"Mặc dù chúng tôi vẫn cho rằng quyết định nới lỏng đầu tiên của FED chủ yếu phụ thuộc vào kết quả lạm phát, nhưng các tín hiệu yếu đang xuất phát từ điều kiện thị trường lao động và chi tiêu của người tiêu dùng cho thấy FED có khả năng sẽ bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn trong những tháng tới.
Chúng tôi vẫn lạc quan rằng FED sẽ nới lỏng lãi suất đầu tiên tại cuộc họp FOMC vào tháng 9 khi chúng tôi tìm kiếm lạm phát PCE" - các nhà kinh tế tại TD Securities cho hay.
Cùng với Chỉ số giá tiêu dùng công bố vào thứ năm, thị trường sẽ quan tâm đến những gì Chủ tịch FED - ông Jerome Powell sẽ phát biểu trong hai ngày điều trần trước Quốc hội vào thứ Ba và thứ Tư tuần tới.